Về đầu trang

Doanh nghiệp nêu lý do nên bỏ quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bình ổn giá xăng dầu

Posted by admin
Category:

Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”.

Việc duy tu, bảo trì đường bộ dẫn tới tình trạng nhiều công trình xuống cấp nhưng chủ phương tiện vẫn bắt buộc phải đi là thiếu công bằng.

Theo trình bày báo cáo của đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải – Trưởng đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá: hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ khá phức tạp, chưa rõ ràng, chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các quỹ. Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có các cơ quan cả ở trung ương và địa phương được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý các quỹ này.

Cũng theo ông Hải, nguồn thu hình thành các quỹ tài chính còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước khi chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, hoặc trùng với nguồn thu của ngân sách nhà nước, trong khi các nguồn thu khác không đáng kể; tỉ lệ thu so với kế hoạch đạt thấp ở một số quỹ như quỹ bảo trì đường bộ, quỹ phòng chống thiên tai…

Trong khi đó, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả chưa cao khi nhiều quỹ được thành lập có chức năng, nhiệm vụ (có thể toàn bộ hoặc một phần) trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách.

Một số quỹ trong quá trình thực hiện các chức năng nhiệm vụ không mang lại hiệu quả kỳ vọng, hoặc rất khó đánh giá hiệu quả một cách tích cực, không đạt được mục tiêu hoặc phải thay đổi mục tiêu, hoặc chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ đặt ra theo quy định.

Theo ông Hải, “một số quỹ có các nội dung chi không đúng với bản chất quỹ; việc chia sẻ nguồn thu giữa các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan ở một số quỹ chưa thực sự hợp lý, còn nhiều bất cập”, ông Hải cho hay, đồng thời chỉ rõ, một số quỹ chi phí quản lý lớn hơn so với nội dung chi hoạt động; có quá nhiều quỹ tại địa phương làm phát sinh chi phí quản lý và tổ chức biên chế…

Bình luận về những bất cập liên quan tới phí bảo trì đường bộ, ông Nguyễn Hữu Vinh – Giám đốc Công ty Vận tải Nhật Quang TP.HCM, cho rằng: Thuế, phí đường bộ luôn là một gánh nặng trong giao thông vận tải, nó được tính vào giá thành sản phẩm và cuối cùng là đổ gánh nặng lên vai người dân. Tuy nhiên, quyền lợi của mỗi đầu phương tiện của họ được hưởng bao nhiêu % từ những khoản phí đã đóng còn thiếu minh bạch.

Cũng theo ông Vinh nếu tỉ lệ (1%) được trích ra để trang trải chi phí quản lý hoạt động thu phí sử dụng đường bộ (từ nguồn thu được từ phí bảo trì đường bộ), 99% được nộp về Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, và 35% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước được phân bổ lại cho từng địa phương để bảo trì đường bộ theo như Thông tư số 133/2014/TT-BTC, ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012, về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, quy định về đối tượng chịu phí bao gồm: xe ô tô, máy kéo; rơ móoc, sơmi rơ móoc… được quy định tại Điều 9, Khoản 1: Văn phòng Quỹ được trích lại 1% số tiền phí thu được để trang trải chi phí quản lý hoạt động thu phí sử dụng đường bộ theo quy định. Số tiền còn lại (99%), cơ quan thu phí phải nộp vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Đáng chú ý, tại Nghị định 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện và Thông tư 60/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ… đang gây tranh cãi về quyền lợi của các chủ phương tiện.

Bên cạnh đó, tại Thông tư 60/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ… cũng đang trở thành những bất cập gây tranh cãi về quyền lợi của các chủ phương tiện khi “đóng thì nhiều nhưng quyền lợi được hưởng thực tế lại chẳng bao nhiêu”.

Tình trạng đường giao thông xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà với cự ly dày

Tương tự, ông Nguyễn Chí Hoàng – Giám đốc Công ty Vận tải Phượng Hoàng, chia sẻ: Tình trạng đường giao thông xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà với cự ly dày, doanh nghiệp bức xúc, phản ánh xong cũng chỉ làm cho qua là hết sức bất cập.

Trên thực tế từ nhiều năm nay, phí bảo trì đường bộ đang là gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải nói riêng và mỗi đầu chủ phương tiện nói chung. Do đó, việc thu phí bảo trì đường bộ cần phải minh bạch, sử dụng đúng mục đích cho việc duy tu, bảo trì đường bộ. Thực tế chủ phương tiện đóng phí bảo trì đường bộ tại các Trung tâm đăng kiểm 1 lần/năm khá cao nhưng quyền lợi được hưởng bao nhiêu % đang là câu hỏi gây nhiều tranh cãi.

Trong khi, việc duy tu, bảo trì đường bộ dẫn tới tình trạng nhiều công trình xuống cấp nhưng chủ phương tiện vẫn bắt buộc phải đi là thiếu công bằng. “Khi công trình xuống cấp, hư hỏng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thời gian di chuyển, hao mòn phương tiện…” – ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, “nếu bãi bỏ quỹ bảo trì đường bộ, bình ổn giá xăng dầu” người dân và doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất mừng vì sẽ giảm được rất nhiều các chi phí kèm theo.

Nếu bãi bỏ quỹ bảo trì đường bộ, bình ổn giá xăng dầu người dân và doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất mừng…

Ông Hoàng cũng cho biết, trường hợp, chưa thể bãi bỏ được ngay các quỹ này thì “cần phải thay đổi lại cách thu phí bảo trì đường bộ để đảm bảo được quyền lợi của chủ phương tiện, không thể thu cố định một lần và đổ đồng trên đầu phương tiện như hiện nay, trong khi quyền lợi của chủ phương tiện chưa được xác định một cách công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, khái niệm về phí bảo trì đường bộ cần phải được tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân hiểu một cách thông suốt, không thể nay cơ quan này giải thích một kiểu, mai cơ quan kia lại giải thích một kiểu. Tiền thu được từ thu phí bảo trì đường bộ thì phải sử dụng cho mục đích bảo trì đường bộ chứ không thể dùng tiền này để đầu tư cho mục đích khác.

 

Trả lời