Về đầu trang

Kéo giảm chi phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu – Cần làm ngay – Bài 1: Phí chính, phí phụ đội giá hàng Việt

Posted by admin

Năm 2020, Việt Nam đã XK được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng XK cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. 3 tháng đầu năm 2021, XK hàng hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực với kim ngạch ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 2,03 tỷ USD. Điểm qua những con số “biết nói” kể trên đã cho thấy rõ hơn sức bứt phá mạnh mẽ trong XK, tầm quan trọng của XK với một đất nước có độ mở nền kinh tế lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, lệ thuộc vào việc vận chuyển đã, đang và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của hàng XK.

“Người vận chuyển” cầm chịch cuộc chơi

Là chủ một DN chuyên XK nông sản đi nhiều thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản…, vấn đề khiến ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group đau đáu nhiều năm nay chính là chi phí logistics quá cao. “Năm 2020, tổng trị giá XK nông sản của DN đạt 48 triệu USD, trong đó khoảng 65% là XK sang Mỹ. Nguồn hàng dồi dào, chất lượng tốt, giá rẻ, song do chi phí logistics cao nên dù doanh nghiệp chấp nhận “lãi” ít nhưng sức cạnh tranh của sản phẩm không được nâng lên”, ông Tùng chia sẻ.

Để dễ hình dung hơn về mức chi phí logistics “ngốn” vào giá thành sản phẩm, ông Tùng dẫn chứng cụ thể: “1kg thanh long chuyển theo đường hàng không sang Mỹ bán với giá khoảng 7-8 USD/kg, đỉnh điểm là 10 USD/kg. Trong đó, 1 USD là chi trả cho nông dân, 1 USD chi phí cho nhà máy, 1 USD chi trả cho chiếu xạ, DN có lãi khoảng gần 1 USD. Còn lại quá nửa là chi phí logistics.

Đắt đã đành, DN XK hàng hóa Việt Nam còn luôn ở thế bị động. Hiện, gần như toàn bộ hãng hàng không vận chuyển hàng hóa đều của nước ngoài. Vietnam Airlines chỉ bay một số chuyến đi Pháp, Australia, Nhật. Khi các hãng hàng không nước ngoài “bắt tay” nhau làm giá thì DN hoàn toàn phải “chịu trận”. Không chỉ vậy, nếu có chuyến hàng từ Trung Quốc XK sang cùng thị trường với hàng Việt thường các hãng hàng không sẽ ưu tiên hàng Trung Quốc. Ông Tùng dẫn chứng: “Mỗi lần Apple ra sản phẩm mới phải NK linh kiện điện tử từ Trung Quốc là hàng XK Việt Nam rất khó khăn. Các hãng hàng không sẽ ưu tiên vận chuyển hàng điện tử từ Trung Quốc xuất đi, do đồ điện tử hay linh kiện đều có giá trị cao, mỗi chiếc điện thoại có giá trị lớn nên họ sẵn sàng chi trả cước 6-7 USD/kg cho hàng xuất đi”.

Sự thiếu chủ động này cũng xảy ra tương tự với XK hàng hóa bằng đường biển khi hầu hết đều là hãng tàu nước ngoài. Và hàng hóa XK ngoài việc liên tục chịu điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển, còn có những lúc rơi vào tình cảnh bị từ chối vận chuyển. Khi đó hàng đã đóng container, thậm chí ra cảng buộc phải quay về hoặc bán rẻ trong nội địa thậm chí hư hỏng bỏ đi. Đó là chưa kể chi phí đền bù hợp đồng với đối tác…

Câu chuyện của Công ty CP Thủy sản Thương mại Thuận Phước là ví dụ điển hình. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty bức xúc khi chia sẻ câu chuyện mới đây DN này đã đặt được chỗ đưa hàng thủy sản đông lạnh sang Mỹ với hãng tàu MSC nhưng chưa kịp xuất hàng thì phía hãng tàu MSC đã phản hồi họ không nhận đưa container lạnh đi Mỹ nữa. “Chúng tôi buộc phải tìm hãng tàu khác thay thế, tuy nhiên, việc tìm kiếm này không dễ dàng vì DN không có nhiều lựa chọn bởi số lượng container lạnh còn ít hơn container thường. Nhưng để giữ uy tín với đối tác, đúng điều khoản trong hợp đồng đã ký DN đành phải làm và chấp nhận không có lãi”- ông Trần Văn Lĩnh chia sẻ.

Hàng tốt, mua rẻ, lãi ít, nhưng giá bán lại cao

Đưa ra so sánh ngay với hàng hóa của nước láng giềng Thái Lan, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group nhấn mạnh: Chi phí logistics quá lớn khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam cùng chủng loại với sản phẩm của Thái Lan bị cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới khi hàng hóa của họ có chi phí thấp hơn, giá bán rẻ hơn. Sân bay Thái Lan hiện có sự góp mặt của 200-300 hãng hàng không. Các hãng hàng không tự cạnh tranh với nhau để có giá thành vận chuyển tốt nhất, trong khi tại Việt Nam hiện nay mới chỉ có sự góp mặt của 4-5 hãng hàng không – ông Tùng phân tích.

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Công ty TNHH Giao nhận TTP Hải Phòng cho biết, một container vận chuyển từ Hải Phòng đến Hà Nội có chi phí bình quân như sau: đối với container 20 feet chi phí gần 5 triệu đồng (trong đó, phí thuê xe 3,9 triệu đồng; phí nâng hạ trong cảng 650 nghìn đồng; phí đường cao tốc 380 nghìn đồng). Đối với container 40 feet chi phí thuê xe và đường cao tốc tương tự loại 20 feet, nhưng phí nâng hạ trong cảng là 880 nghìn đồng, như vậy, tổng chi phí là 5,16 triệu đồng

Ông Võ Quan Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, năm 2019, Công ty xuất khẩu khoảng 14.000 tấn chuối đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, trong đó, chi phí logistics chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, chi phí logistics tăng tới 45%, trong đó cước tàu biển tăng tới 40% do những tác động của dịch Covid-19.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú dẫn chứng: chi phí vận chuyển một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 16 triệu đồng, nhưng từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau 10 triệu đồng, ra Hà Nội mất 80 triệu đồng. Tương tự, từ TP Hồ Chí Minh đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng. Trong khi đó, Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc, xa tới hàng ngàn cây số, nhưng chi phí chưa bằng một nửa. Điều đáng nói, không dừng ở con số trên, mỗi năm chi phí logistics lại tăng bình quân 25%. Riêng 6 tháng đầu năm 2020 tăng 45%, gồm cước tàu biển tăng 30%, phụ phí của hãng tàu tăng gần 15%…

Trăm loại phí “đổ đầu” hàng hóa

Theo công bố đầu năm tại báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2020 do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nhóm thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới có chi phí trực tiếp cao hơn trong các nhóm thủ tục hành chính được khảo sát. Các chi phí này tùy thuộc vào khối lượng hàng hóa và địa điểm thông quan.

Theo khảo sát tại cảng biển khu vực TP HCM, đối với container hàng khô 20 feet, cước xếp dỡ tại cầu tàu là 470.000 đồng/container, tác nghiệp tại bãi với các công đoạn hạ container, vận chuyển… có chi phí từ 210.000-560.000 đồng/container chưa kể một số loại phụ thu về hàng quá tải trọng, phụ thu phí nâng tại bãi… có thể từ 50 đến 200% đơn giá container thông thường tùy theo khu vực xếp dỡ và thỏa thuận…

Theo báo cáo logistics Việt Nam 2020 của Bộ Công Thương, 70,8% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết tỷ trọng chi phí logistics của doanh nghiệp trên tổng doanh thu chỉ nhỏ hơn 10% và 20,1% số doanh nghiệp có tỷ trọng chi phí logistics trên tổng doanh thu nằm trong khoảng 11-20%. Các chuyên gia còn cho rằng, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác, làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hoá của các doanh nghiệp.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: từ năm 2017, phí cảng biển tại Hải Phòng đã được các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị giảm nhiều lần nhưng đến nay mức giảm không đáng kể. Đơn cử như: Cảng Hải Phòng đã giảm chi phí cho hàng rời từ 20.000 đồng/tấn xuống còn 16.000 đồng/tấn, giảm từ 250.000 đồng/container 20 feet và 500.000 đồng/container 40 feet xuống còn lần lượt là 230.000 đồng và 460.000 đồng. Ông Cẩm cho rằng, mức chi phí này vẫn rất cao, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp còn khó khăn khi phải đương đầu với đại dịch Covid-19.

Phí vận tải trong nước đã cao, nhưng “hãi hùng” nhất đối với nhiều doanh nghiệp là sự biến động tăng của cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế theo “cấp số nhân”. Như cước vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng đi đến các cảng biển chính tại châu Âu đã tăng từ 1.000 USD/container 40 feet hồi cuối năm 2020 lên 8.000 – 9.000 USD/container vào giữa tháng 3 này. Giá vận chuyển này chưa bao gồm các loại phụ phí như: phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí kẹp chì, phí vệ sinh…

Để đỡ “đau đầu”, nhiều doanh nghiệp phải tìm cách để thuê trọn gói. Đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lenger Seafood cho biết, doanh nghiệp thường chiết khấu cho nhà phân phối với tỷ lệ khoảng 9,5% trên tổng doanh thu để thực hiện các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa. Vị này cũng chia sẻ, các doanh nghiệp khác cũng thường chiết khấu khoảng 7-9% trên tổng doanh thu cho phân phối và vận chuyển.

Theo ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, việc chi phí cao hay thấp là do cung cầu cũng như thỏa thuận của doanh nghiệp với các nhà cung cấp dịch vụ trong việc vận chuyển, phân phối hàng hóa. Nhưng điều quan trọng là hạ tầng giao thông của Việt Nam đang khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp cao hơn. Ví dụ, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng xây dựng rất to đẹp, nhưng chi phí cao khiến xe container vẫn phải lựa chọn chạy theo đường cũ. Hiện tượng phí chồng phí, thu nhiều loại phí bảo trì đường bộ… cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thực tế chi phí logictics quá cao, chiếm tỉ lệ lớn trong giá thành hàng hóa XNK là một thực trạng kéo dài từ khá lâu, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhiều giải pháp được đề cập tới, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Với một nước có nền kinh tế mở, có thế mạnh là XK hàng hóa nông, lâm, thủy sản, rất cần sớm có một giải pháp tổng thể để giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa.

Ông Bùi Văn Trung, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam:Việc đầu tư đội tàu còn dàn trải, hầu hết các tàu đã có tuổi đời cao, các tàu được đóng mới chưa được đầu tư trang bị công nghệ tiên tiến… Bên cạnh đó, thiết bị xếp dỡ lạc hậu, không đồng bộ hoặc kết nối các phương thức vận tải chưa tốt sẽ làm phát sinh thêm công đoạn chuyển tải trong quy trình xếp dỡ, khiến chi phí xếp dỡ tăng cao.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM:

Chi phí logistics cao là do hạ tầng xung quanh cảng không đáp ứng được, làm giảm hiệu quả lưu chuyển hàng hóa. Ví dụ riêng tuyến từ Xa lộ Hà Nội xuống cảng Cát Lái phải đạt tối thiểu 2 chuyến/ngày nhưng thực tế bình quân chỉ đạt từ 1,3 -1,5 chuyến/ngày. Hiệu suất xe lăn bánh thấp trong khi nhà đầu tư vẫn phải chịu tất cả các loại chi phí từ tài xế, bến bãi, phụ phí… gây lỗ cho DN vận tải, kéo theo chi phí logistics tăng lên.

Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị:

Trong vài năm tới đây, việc mở rộng quy mô và chất lượng dịch vụ bến bãi, logistics tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để phục vụ XNK theo hướng bài bản, hiện đại, khoa học là rất cần thiết. Do vậy cần có sự chuẩn bị tốt về quy hoạch, đất đai, nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực để phát triển logistics tại địa bàn.

Bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó Trưởng phòng Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn:

Để tránh rủi ro, các DN thường nhập CIF và bán FOB làm cho việc lựa chọn hãng vận tải phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Trong khi đối tác nước ngoài chọn hãng vận tải qua đấu thầu để cắt giảm chi phí. Hãng vận tải thu lợi rất ít từ vận chuyển này để thắng thầu nên luôn có cách để tăng các chi phí tại địa phương và các phụ thu vào các khoản tiền lưu container, lưu bãi, phạt quá hạn, phụ thu cân bằng container rỗng… Hãng tàu cũng chỉ chọn để container rỗng tại các khu Trung tâm lớn, gần Cảng để tăng nhanh vòng luân chuyển container. Điều này làm tăng chi phí của các doanh nghiệp ở xa khu tập trung container rỗng và làm tăng áp lực vận tải lên các thành phố có cảng. Chẳng hạn, một DN gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) sẽ mất thêm khoảng ít nhất 4 triệu đồng cho việc lấy container rỗng về đóng hàng sau đó chuyển lại TPHCM hạ hàng, với container lạnh thì chi phí này là 8 triệu đồng. Dù container xuất tàu tại Cái Mép vẫn đi qua lại TPHCM theo hình thức này và khó triển khai hình thức kết nối trực tiếp ĐBSCL (Cần Thơ) với Cái Mép. Song DN không thể yêu cầu hãng tàu mở code cho container rỗng tại Cần Thơ do không có quyền đàm phán trực tiếp.

Nguồn : Báo Hải Quan online

Trả lời