Về đầu trang

Nhu cầu ethanol hồi phục và tác động tới giá ngô

Posted by admin

Bên cạnh nhu cầu tiêu thụ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, một phần lớn ngô ở Mỹ còn được sử dụng làm nguyên liệu trong ngành công nghiệp ethanol, hợp chất để pha chế xăng. Việc sản lượng ethanol tăng mạnh sẽ tác động rất lớn đến giá ngô.

Giá ngô đang tăng mạnh trở lại trong 2 tháng qua

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/11, giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 3 được giao dịch liên thông với thế giới tại Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã tăng 0,68% lên mức 588,25 cent/giạ (231 USD/tấn).

Diễn biến giá ngô

Đây có thể sẽ là tháng thứ 3 liên tiếp, giá ngô duy trì đà tăng kể từ sau khi bước vào xu hướng giảm mạnh kể từ tháng 5. Giá ngô tăng phi mã vào nửa đầu năm nay đã gây ra không biết bao nhiêu khó khăn đối với các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam khi phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đến quý III năm nay, lo ngại về siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa đã phần nào được giải tỏa khi giá các mặt hàng đều có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguồn cung ổn định hơn trong khi nhu cầu tiêu thụ ngô trong sản xuất thức ăn chăn nuôi không mạnh như dự đoán của thị trường do việc khôi phục đàn lợn của Trung Quốc đã tạo áp lực lên giá.

Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, giá ngô lại quay trở lại xu hướng tăng mạnh và đang ở mức cao nhất vào tháng 4 năm nay, trước khi đảo chiều vào tháng 5. Một trong những nguyên nhân thúc đẩy đà tăng của ngô chính là nhu cầu tiêu thụ trong sản xuất ethanol, số liệu quan trọng mà không phải nhà đầu tư nào cũng lưu ý như trong ngành chăn nuôi.

Đà tăng mạnh của mức tiêu thụ ngô trong sản xuất ethanol sẽ khó duy trì

Theo báo cáo dầu khí hàng tuần của Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng ethanol của nước này đã tăng trở lại và duy trì trên mức 1 triệu thùng/ngày kể từ đầu tháng 10 cho tới nay. Thậm chí, trong tuần cuối tháng 10, con số này còn tăng lên 1,1 triệu thùng/ngày, mức cao thứ hai trong lịch sử. Các quốc gia đang dần mở cửa trở lại khi việc triển khai vaccine có hiệu quả đã giúp nhu cầu đi lại và tiêu thụ năng lượng tăng lên.

Sản lượng ethanol hằng tuần của Mỹ.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá dầu đang có dấu hiệu hạ nhiệt hơn khi Mỹ cùng với một số nước khác như Nhật Bản và Na Uy tăng nguồn cung dầu trên thị trường. Bên cạnh đó, triển vọng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cũng kém khả quan hơn do có sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Giá dầu giảm đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận trong ngành công nghiệp ethanol sẽ giảm xuống, và từ đó ảnh hưởng tới động lực sản xuất của các nhà máy trong những tháng cuối năm.

Hơn nữa, cuối tháng 8, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã gửi các khuyến nghị về quy định trong pha trộn nhiên liệu sinh học cho Nhà Trắng với kỳ vọng cắt giảm nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học của các nhà máy lọc dầu. Điều này khiến cho nhu cầu sử dụng ngô, nguyên liệu đầu vào trong quy trình sản xuất ethanol dự báo sẽ khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới, mà sẽ chỉ duy trì ở mức hiện tại.

Các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam sẽ “dễ thở” hơn

Tại Việt Nam, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80 – 85% giá thành sản xuất. Và nguồn cung đầu vào lại phụ thuộc tới 70 – 80% là nông sản nhập khẩu, chủ yếu là ngô, đậu tương và lúa mì.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 10 tháng năm nay, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông chính ước đạt 22,5 tỷ USD, tăng 54%. Chỉ tính riêng trong tháng 10, nhập khẩu ngô chiếm 234 triệu USD, cao hơn 5,6% so với tháng 9, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan.

Việc cắt giảm pha trộn nhiên liệu sinh học cũng như triển vọng tiêu thụ ngô trong sản xuất ethanol sẽ không tăng mạnh trong giai đoạn tới sẽ giúp bổ sung nguồn cung ngô phục vụ cho nhu cầu thức ăn chăn nuôi. Điều này được xem là tin tốt cho các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam do gánh nặng về chi phí nguyên liệu đầu vào được giảm bớt.

Nguồn : Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam

Trả lời