Về đầu trang

DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT THỨC ĂN CHĂN NUÔI: “PHẢN CÔNG” GIÀNH THỊ PHẦN

Posted by admin

Chủ một doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi kinh doanh lâu năm trên thị trường bình luận:“Sắp tới, cuộc đua giành thị phần giữa các doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Trật tự trong ngành thức ăn chăn nuôi có thể sẽ được sắp xếp lại, theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp nội. Người chăn nuôi Việt Nam sẽ có cơ hội gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhờ giá bán thức ăn được giảm do nó không còn bị thao túng bởi các doanh nghiệp ngoại đang dẫn dắt thị trường như hiện nay”.

thucanchannuoi1

Giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam luôn cao hơn khoảng 20% so với nhiều nước trong khu vực ASEAN

Ngoại vẫn dẫn dắt thị trường

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cả nước hiện có 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong đó, chỉ có 61 doanh nghiệp (chiếm 25,7%) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng sản lượng thức ăn chăn nuôi bán ra thị trường chiếm đến 59,15%. Trong khi đó, 138 doanh nghiệp trong nước (chiếm 74,3%) đang chia nhau 40,85% tổng sản lượngthức ăn chăn nuôi công nghiệp còn lại, với đa phần các nhà máy sản xuất có công suất nhỏ, chỉ dưới 50.000 tấn/năm. Trong số các doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường này, không thể không kể tới hai cái tên đình đám nhất bao gồm CP của Thái Lan và Cargill của Mỹ, với tổng thị phần của cả hai doanh nghiệp chiếm 30% toàn thị trường.

Là một trong những tập đoàn mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, sản xuất thực phẩm, CP đã sớm thâm nhập thị trường Việt Nam từ đầu những năm 1990 và nhanh chóng xây dựng cho mình một đế chế hùng mạnh. Trong 6 tỷ USD doanh thu của thị trường thức ăn chăn nuôi, CP đang chiếm tới gần 20%. Cargill xếp kế tiếp với khoảng 9% thị phần. Một vài doanh nghiệp trong nước có thị phần đáng kể đang đuổi theo sau là Proconco với khoảng 8% thị phần, Green Feed 5%, Anco 4% (hiện cả 3 thương hiệu này đã và đang dần thuộc về Tập đoàn Masan), theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn theo một báo cáo mới của Grand View Research, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam dự kiến sẽ đạt quy mô khoảng 10,55 tỷ USD trước năm 2022.

CP hiện có 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 4 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc gia cầm, 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản và 1 nhà máy sấy ngô. Trong khi đó, trong 10 nhà máy của Cargill tại Việt Nam thì có đến 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất hơn 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi trong năm tài chính 2015. Dự kiến, trong năm 2016, Cargill sẽ khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn gia súc thứ 9 tại tỉnh Nghệ An. Trong một cuộc tiếp xúc báo chí mới đây, ông Jorge Becerra, Tổng giám đốc Cargill Feed Nutrition tại Việt Nam cho biết, trong năm nay công ty đầu tư thêm 7 triệu USD để mở rộng nhà máy tại Đồng Tháp nhằm tăng cường mảng thức ăn thủy sản, nâng tổng vốn đầu tư tại nhà máy này lên khoảng 14 triệu USD. Dự kiến nhà máy mới này sẽ khánh thành vào tháng 12/2015, cung cấp khoảng 9-10 nghìn tấn thức ăn thủy sản/tháng.

“Tầm nhìn của Cargill là trở thành nhà cung cấp hàng đầu về thức ăn cho cá và tôm ở Việt Nam. Gần đây, Cargill mua lại EWOS, giúp bổ sung cho ngành công nghiệp thức ăn thủy sản hiện tại của Cargill”, ông Becerra nói.

Cũng theo lời người đứng đầu Cargill Feed Nutrition, năm 2014, doanh nghiệp này đạt mức doanh thu 120,4 tỷ USD trên toàn cầu, với mức lợi nhuận đạt 1,58 tỷ USD. Trong đó, thị trường Việt Nam chỉ đóng góp chưa tới 1% doanh thu toàn cầu của tập đoàn.

Nội lật ngược thế cờ?

Thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 13-15%/năm. Năm 2015, Việt Nam cần khoảng 18-20 triệu tấn thức ăn công nghiệp và dự báo đến năm 2020, con số này có thể tăng lên 25-26 triệu tấn. Nhu cầu thị trường còn rất lớn, song sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập cả chục triệu tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tính riêng năm 2014, Việt Nam đã chi trên 3 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Nếu tính cả lượng nhập khẩu bắp, đậu nành và lúa mì, Việt Nam đã chi ra trên 4 tỷ USD.

Với một thị trường béo bở như vậy, trước đây, doanh nghiệp Việt Nam hầu như chịu trận để các doanh nghiệp FDI làm mưa làm gió trên thị trường. Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp nội với tiềm lực tài chính mạnh đã nhìn thấy tiềm năng lớn của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, nên quyết định gia nhập sân chơi khốc liệt này. Điển hình là các doanh nghiệp lớn như Masan, Thủy sản Hùng Vương và mới đây nhất là Tập đoàn Hòa Phát. Với tiềm lực tài chính mạnh, hệ thống phân phối sẵn có và am hiểu thị trường, sự gia nhập của các tên tuổi lớn hứa hẹn sẽ giúp doanh nghiệp nội lật ngược thế cờ và sắp xếp lại cuộc chơi một cách sòng phẳng hơn.

Thực tế lâu nay cho thấy, giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam luôn cao hơn khoảng 20% so với nhiều nước trong khu vực ASEAN. Giá thức ăn đầu vào cao đã đẩy giá thành phẩm của ngành chăn nuôi lên cao khiến Việt Nam mất hẳn tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

“Ai là người đứng đầu thì người đó có quyền dẫn dắt giá trên thị trường. Bao năm qua, với vị trí là người đứng thứ 3 trên thị trường, chúng tôi luôn quan sát động thái của hai người dẫn đầu. Khi họ điều chỉnh giá tăng, chúng tôi tăng theo và ngược lại”, giám đốc điều hành một doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản (không muốn nêu tên) bình luận.

Trong mảng thức ăn gia súc, phải kể đến sự vươn lên mạnh mẽ của Tập đoàn Masan qua các thương vụ M&A. Cụ thể, Masan đã sở hữu lần lượt 52% và 70% cổ phần của Công ty cổ phần Việt-Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), thông qua Masan Nutri-Science (MNS). Sau động thái này, Masan đã nâng thị phần trong mảng thức ăn chăn nuôi lên khoảng 10%. Mới đây, trên thị trường xuất hiện tin đồn tập đoàn này đã chính thức sở hữu Công ty GreenFeed với mức giá 500 triệu USD. Mặc dù người trong cuộc chưa chính thức lên tiếng xác nhận thông tin, nhưng nếu việc mua lại GreenFeed là có thật, Masan sẽ nâng thị phần mảng thức ăn chăn nuôi lên khoảng 15%, qua đó chính thức vượt mặt “đàn anh” Cargill để nắm giữ vị trí thứ 2, chỉ đứng sau CP.

Cùng với các thương vụ M&A, Masan đang mạnh tay chi tiền cho chiến dịch quảng cáo sản phẩm cám Con Cò và Anco trên truyền hình. Động thái này cho thấy, Masan đang muốn lấn sân và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, để tránh chạm mặt với các đối thủ ngoại đáng gờm trong việc xây dựng hệ thống đại lý phân phối, Masan cũng chọn cho mình hướng đi thông minh và bớt gai góc hơn, đó là bán sản phẩm trực tiếp từ nhà máy đến tay người chăn nuôi chứ không thông qua các đại lý trung gian. Với chiến lược này, Masan sẽ không phải giành giật đại lý phân phối với các đối thủ lớn CP và Cargill, vốn nổi tiếng chi hoa hồng cao để “lấy lòng” các đại lý. Mặt khác, với cách phân phối trực tiếp này, Masan có thể cắt giảm tối đa chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Một đối thủ nặng ký khác đã gia nhập cuộc chơi thức ăn chăn nuôi là Tập đoàn Hòa Phát. Năm 2015, Hòa Phát thành lập công ty con chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Dự kiến, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất khoảng 300.000 tấn/năm của Hòa Phát sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2016. Ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hòa Phát, từng tỏ ra rất lạc quan với mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn thức ăn gia súc vào năm 2020, cùng với 1 triệu con lợn, sẽ mang về doanh thu từ 15.000-20.000 tỷ đồng và đóng góp khoảng 30% lợi nhuận cho tập đoàn.

Trong mảng thức ăn thủy sản, Thủy sản Hùng Vương (HVG) cũng đang vươn lên mạnh mẽ với hàng loạt thương vụ M&A giống như chiến lược của Masan. Thế độc tôn trong mảng thức ăn thủy sản của Cargill và Uni-President đang bị HVG đe dọa. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương cho biết, doanh nghiệp ông đã gần như hoàn thành việc mua lại Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF). Cụ thể, hiện HVG đã sở hữu 90,36% vốn điều lệ của VTF và đang thỏa thuận mua từ các cổ đông nhỏ lẻ số cổ phần còn lại là 9,64%. Theo ông Minh, HVG sẽ nâng công suất nhà máy VTF lên 800.000 tấn/năm trong năm 2015, nhằm đến năm 2018 đạt mốc sản lượng từ 1,5 – 1,8 triệu tấn thức ăn thủy sản/năm vàtỷ đồng. Trước đó, HVG đã thâu tóm thành công Hùng Vương Tây Nam và Cao Lãnh. Với ba nhà máy này, HVG hiện đang chiếm 40% thị phần thức ăn thủy sản.

Cũng giống như Masan, người chăn nuôi hoàn toàn có thể đến tận nhà máy của Hùng Vương để mua thức ăn chăn nuôi mà không phải thông qua các khâu trung gian. Điều này giúp HVG tiết giảm chi phí vận chuyển, phân phối từ đó giảm giá thành, trong khi không phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ hệ thống đại lý phân phối dày đặc của các đối thủ nặng ký khác. Một lợi thế khác là Hùng Vương có khả năng mua hàng trả chậm trên sàn quốc tế, với thời hạn lên đến 1 năm, thay vì phải mở L/C để nhập hàng. Điều này có được là do HVG được các tổ chức quốc tế xếp hạng tín dụng hạng 3, nhờ uy tín thanh toán đã được kiểm chứng suốt 5 năm qua. Ngoài ra, Hùng Vương không phải tốn chi phí lãi vay do luôn có ngoại tệ để mua hàng.
“Bằng các bước đi vững chắc và với nền tảng cơ bản dựa trên công nghệ tốt, có tiền chốt giá nguyên liệu ổn định, kho trữ hàng lớn, nên trong cuộc chơi trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi HVG không e ngại bất kỳ đối thủ nào, kể cả các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Đến năm 2018, Hùng Vương sẽ nằm trong nhóm đầu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi”, ông Minh khẳng định.

Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May, đơn vị đang cung cấp hơn 500 tấn thức ăn cho cá/ngày, cho rằng, trong lĩnh vực thức ăn gia súc, gia cầm, doanh nghiệp Việt khó lòng cạnh tranh nổi với CP hay Cargill. Tuy nhiên, ở ngách nhỏ trong sản xuất thức ăn thủy sản là thức ăn cho cá tra, cá basa, thì doanh nghiệp Việt đang làm chủ cuộc chơi. Lý do, theo lý giải của ông Thiện là bởi, các doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều lợi thế hơn về việc am hiểu tường tận cách thức sản xuất và phân phối thức ăn cho con cá đặc thù của địa phương mình, điều mà các doanh nghiệp ngoại dù có hùng mạnh về tài chính hay công nghệ cũng không có được. Trên thực tế, CP đã từng muốn gia nhập mảng thức ăn cho cá tra, cá basa nhưng sau thời gian thua lỗ, doanh nghiệp này đành chấp nhận rút lui, “nhường” miếng bánh với thị phần nhỏ nhoi này cho các doanh nghiệp trong nước chia nhau.

Mặc dù trong cuộc chiến không cân sức với các đại gia thức ăn chăn nuôi hùng mạnh trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên sự trỗi dậy của những tên tuổi nói trên đang góp phần làm thay đổi cục diện trên sân chơi. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang nhen nhóm hy vọng tìm lại thế cân bằng, khi yếu tố đầu vào dần dần được họ làm chủ.

Trả lời