Nguy cơ vỡ nợ hiện hữu khi giá lợn lao dốc không phanh
Chung cảnh ngộ với người chăn nuôi cả nước, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Tĩnh đang kêu trời trước thực trang giá lợn “lao dốc” không phanh, trong khi giá cám vẫn đứng im tại chỗ.
Thường khi đầu ra giảm thì đầu vào cũng giảm theo. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thị trường lợn hơi ở Hà Tĩnh đang giảm mạnh cả về giá cả và lượng tiêu thụ, trong khi đó giá cám vẫn giữ nguyên như thời điểm giá lợn hơi tăng cao khiến người chăn nuôi thua lỗ đậm.
Thị trường lợn hơi tại Hà Tĩnh đang giảm mạnh cả giá cả và sức tiêu thụ
“Bây giờ đầu tư 1 tạ lợn hơi bình quân hết tầm 2 – 2,2 triệu đồng tiền cám, cộng thêm chi phí giống, khấu hao chuồng trại, thuốc thú y, nhân công… tổng giá thành hết 3,6 – 3,7 triệu đồng/tạ. Tuy nhiên giá lợn hơi thương lái thu mua giảm xuống còn 2,8 – 3 triệu đồng/tạ (trước đây thời điểm cao nhất giá lợn tăng lên 5,2 triệu đồng/tạ; bình quân 4 triệu đồng/tạ).
Như vậy, một tạ lợn người nuôi lỗ 700 – 800 ngàn đồng, đó là chưa tính khấu hao lợn chết hoặc kéo dài thời gian xuất chồng”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Vũ Quang, cũng là hộ chăn nuôi lợn gia công cho Cty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho hay.
Theo ông Sơn, nhiều trang trại chăn nuôi gia công cho các Cty, theo hợp đồng ký kết thời gian xuất chuồng lợn thương phẩm bình quân 3 – 3,5 tháng nhưng do đầu ra “nghẽn” cộng với giá lợn thấp nên thời gian xuất chuồng có khi kéo dài đến 5 tháng. Càng nuôi lâu tỷ trọng càng không đạt, người làm công phải bỏ thêm tiền đầu tư để đảm bảo lợn phát triển đạt theo quy định của các Cty.
Không chỉ lợn thương phẩm, giá lợn giống cũng giảm gần như chạm đáy. Cụ thể, một con lợn giống trọng lượng từ 6 – 7kg giảm từ 1,3 triệu đồng xuống còn 800 – 850 ngàn đồng. Điều đáng nói là dù giá giảm nhưng cũng chẳng có người mua.
Ông Trần Minh Quế, chủ trang trại nuôi hơn 400 lợn nái ở huyện Vũ Quang than thở: “Trại của tôi đang có 900 con lợn giống đã đến ngày xuất chuồng mà không biết bán đi đâu. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn chắc chúng tôi vỡ nợ mất”.
Hiện tại, huyện Vũ Quang đang có khoảng 5.000 con lợn thương phẩm/7 trang trại cùng hàng nghìn con tại các tổ hợp tác (nuôi 20 – 50 con/tổ hợp tác) và hộ dân đã đến ngày xuất chuồng nhưng chưa bán được. Trong đó, tổ hợp tác Hương Quang 300 con; Hương Minh 200 con; Ân Phú 220 con…
Anh Nguyễn Xuân Minh, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn thở dài cho biết, cuối năm 2016 hưởng ứng chủ trương khuyến khích mở trang trại chăn nuôi lợn theo chính sách xây dựng NTM, anh xây dựng trang trại thả nuôi 10 con lợn nái và 70 con lợn thương phẩm. Mới đây đàn lợn xuất chuồng nhưng do giá bán rẻ mạt nên trang trại lỗ gần 170 triệu đồng.
Thời điểm này trang trại chăn nuôi càng nhiều con thua lỗ càng nặng
“Thời điểm thả nuôi bình quân một con lợn nái mua gần 10 triệu đồng nhưng đến khi bán chỉ được 2,5 triệu đồng. Thua lỗ thảm quá nên tôi đang bỏ trắng chuồng, chắc sắp tới sửa sang lại chuồng trại nuôi đối tượng khác thôi”, anh Minh nói.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc giá lợn lao dốc là do đầu ra không ổn định. Thị trường tiêu thụ hầu hết qua đường tiểu ngạch và phục vụ nhu cầu trong nước. Riêng ở Hà Tĩnh nói chung, Vũ Quang nói riêng, không ít doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các trang trại, tổ hợp tác, hộ dân nhưng thực tế việc thực hiện cam kết mới chỉ dừng lại ở khâu bán giống và thức ăn, còn tiêu thụ sản phẩm hiện tại bà con phải tự tìm thị trường.
“Ngay cả doanh nghiệp lớn như TCty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh cũng bội tín, không trực tiếp thu mua mà giới thiệu tê lô vào mua. Nắm được điểm yếu của người chăn nuôi, không ít tê lô ép giá bà con bằng các chiêu trò như mua chọn, chê lợn khi thì quá to, khi quá nhỏ…”, ông Sơn nhấn mạnh.
Thống kê từ Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh, hiện tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt trên 480 nghìn con; trong đó, lợn nái 80.796 con. Như vậy, một điều chắc chắn đang có hàng chục nghìn con lợn giống và lợn thương phẩm đã đến thời kỳ xuất chuồng nhưng chưa biết bán đi đâu, còn người chăn nuôi như ngồi trên đống lửa.
THANH NGA