Chỉ trong thời gian khoảng 1 năm, các đối tượng đã thực hiện trót lọt hơn chục vụ trộm cắp với số lượng tài sản rất lớn, chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Và nghiêm trọng hơn cả, việc trộm cắp của băng nhóm này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng trong nước, khi bạn hàng ở nước ngoài không biết việc thiếu hàng do đâu, bởi container vẫn còn nguyên… kẹp chì.
Hàng loạt vụ hàng hóa “bốc hơi”
Đầu năm 2018, Cục Cảnh sát hình sự (bộ phận phía Nam) liên tục nhận được đơn trình báo của một số công ty vận tải đường bộ và xuất nhập khẩu hàng hóa về tình trạng hàng hóa trong container bị thất thoát trong quá trình vận chuyển. Các doanh nghiệp này nghi vấn cho lái xe container đã câu kết với các đối tượng trộm cắp hàng, bởi sau khi container sang đến nơi nhận, bị phát hiện thiếu hàng báo về Việt Nam thì đối tượng lái xe phụ trách vận chuyển container hàng đó đã nghỉ việc, để lại bộ hồ sơ nhưng khi kiểm tra là hồ sơ giả.
Sau khi tiến hành xác minh, cơ quan điều tra phát hiện các vụ trộm trên đều do một nhóm đối tượng gây ra, bởi phương thức, thủ đoạn hoạt động của chúng và hồ sơ của các đối tượng lái xe liên quan tuy dưới nhiều tên và địa chỉ khác nhau nhưng ảnh đều của một đối tượng. Khi các trinh sát xác minh theo các địa chỉ giả này thì không ai biết về đối tượng có tên như trên, có địa chỉ và tên người đúng thì nhận diện không phải đối tượng trên ảnh và người này cũng hề biết lái xe…
Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát hình sự đã thành lập ban chuyên án, giao cho Phòng 5 và Phòng 7 phối hợp đấu tranh.
Ròng rã gần 4 tháng, các trinh sát, điều tra viên của Phòng 5 và Phòng 7 đã tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến băng trộm chuyên nghiệp này. Theo nhận định của các anh, các đối tượng sẽ tiếp tục làm hồ sơ giả xin vào một doanh nghiệp vận tải chuyên chở container khác để áp dụng bài cũ. Vì thế, các tổ công tác phải tiến hành rà soát các công ty vận tải thuộc lĩnh vực trên, từ đó dựng nên chân dung các đối tượng nghi vấn. Công việc rà soát, xác minh về các lái xe container của các trinh sát gặp rất nhiều khó khăn do các xe container thường hoạt động từ tối đến xuyên đêm.
Với những nỗ lực của các trinh sát, điều tra viên, ban chuyên án đã xác định được băng nhóm trộm cắp nghi vấn, gồm gần chục đối tượng và có sự phân vai rất rõ ràng. Kế hoạch phá án vào đêm 8-5 được vạch ra rất chi tiết. Nhiệm vụ đặt ra là phải bắt quả tang hành vi trộm cắp của băng nhóm này, từ đó mới truy xét ngược lại các vụ án trước.
Lộ nguyên hình những tên trộm
Đối tượng lái xe bị các trinh sát cho vào vòng ngắm là Lê Văn Minh (48 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, trú tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh). Minh chính là đối tượng trong ảnh của một số bộ hồ sơ lái xe giả mà các công ty vận tải còn lưu giữ sau khi xảy ra việc “bốc hơi” hàng trong container.
Tháng 4- 2018, Minh lại dùng bộ hồ sơ giả gồm CMND, bằng lái xe mang tên Đinh Văn Vũ xin lái xe đầu kéo cho anh Nguyễn Thành Thân, trú ở tỉnh Đồng Nai với mức lương 1 triệu đồng/chuyến. Ngày 7-5, Minh được giao lái xe đầu kéo BKS 61C-136.85, rơ-moóc BKS 51R-0889 chở container đựng các thùng carton chứa linh kiện hoàn chỉnh để lắp ghép thành 1 chiếc xe đạp từ Campuchia về cảng Cát Lái để xuất khẩu đi nước ngoài. Nắm được thông tin Minh và đồng bọn sẽ tổ chức thực hiện trộm cắp hàng trong container này, ban chuyên án đã lập kế hoạch bắt quả tang.
Từ tối 8-5, các tổ công tác của Phòng 5 và Phòng 7 đã vào các vị trí phân công. Khoảng 20h, xe ô tô đầu kéo do Lê Văn Minh điều khiển, Huỳnh Công Đức là phụ lái về đến Việt Nam, qua địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo hẹn trước của bọn chúng, Minh lái chiếc xe đầu kéo vào một bãi đất trống bên quốc lộ 22 thuộc ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ở đó, đã có 3 chiếc xe tải đậu sẵn, trên xe có các đồng bọn của Minh gồm: Đỗ Văn Danh, Phan Văn Tiến, Trần Mạnh Huỳnh, Lữ Thanh Tân.
Trong 3 chiếc xe tải này, 1 chiếc dùng để chở các loại máy móc, đồ nghề chuyên dụng nhằm phá chốt container, gồm máy cắt, mài, máy hàn, búa đinh và cả máy phát điện to bằng cái bàn uống nước… Còn lại 2 chiếc xe tải sẽ dùng để chở hàng hóa trộm cắp được trên container.
Khi chiếc xe đầu kéo chở container tiến sâu vào bãi đất trống và dừng lại, Minh, Đức cùng các đối tượng trên 3 xe tải sử dụng các công cụ, đồ nghề để phá chốt container. Đức dùng máy mài để cắt ốc khóa siêu kẹp chì. Một lúc sau, các đối tượng mở được cửa container. Đức, Huỳnh, Tân, Tiến vận chuyển 63 thùng carton (mỗi thùng chứa linh kiện hoàn chỉnh để lắp ghép thành một chiếc xe đạp nhãn hiệu Carrera) chuyển sang 2 xe tải chở hàng. Sau đó, Đỗ Văn Danh là người dùng máy hàn hàn ốc khóa siêu kẹp chì của container lại…
Khoảng 21h, khi các đối tượng đang thực hiện các khâu của hành trình trộm cắp thì lệnh bắt giữ được phát ra. Hàng chục cán bộ chiến sĩ của Cục Cảnh sát hình sự từ các hướng bất ngờ ập vào, bắt quả tang hành vi phạm tội của các đối tượng. Cả 6 đối tượng đang thực hiện hành vi trộm cắp đều bị bắt giữ. Tuy nhiên, đối tượng cầm đầu đường dây này là Lê Văn Tám đang trên đường từ Campuchia về, biết tin đồng bọn bị bắt đã trốn ra Khánh Hòa. Ngày 13-5, Tám bị cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an triệu tập về làm việc.
Trong băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp này có sự phân công vai trò rất cụ thể. Đứng đầu là Lê Văn Tám, có nhiệm vụ móc nối và phân công nhiệm vụ cho từng đối tượng. Tám xuất hiện trực tiếp ở các vụ trộm cắp không nhiều (khoảng 3-4 vụ), còn lại đứng đằng sau chỉ đạo và tìm các mối tiêu thụ tài sản trộm cắp được.
Ngoài vụ bị bắt quả tang, trong 11 vụ trộm cắp với thủ đoạn tương tự trong một năm trở lại đây do băng nhóm này thực hiện, Tám tham gia chỉ đạo cả và được hưởng lợi nhiều nhất, khoảng 795 triệu đồng. Trong vụ trộm bị bắt quả tang, từ đêm 7-5, Tám đã gặp Minh và Đức để bàn bạc, thống nhất kế hoạch trộm hàng trong container khi Minh điều khiển xe hàng từ Campuchia về Việt Nam.
Hôm sau, Tám cũng sang Campuchia để theo sát chuyến hàng này. Khoảng 10h ngày 8-5, từ Campuchia, Tám điện thoại về cho Đỗ Văn Danh nói mang 3 xe tải lên Tây Ninh để chở hàng trộm cắp về cất giấu…
Giữ vai trò sau Tám là Lê Văn Minh, anh ta có nghề lái xe container nên được phân công chuyên làm hồ sơ giả để đến các doanh nghiệp vận tải xin việc. Mỗi bộ hồ sơ giả này, Minh thuê làm mất khoảng từ 5 đến 6 triệu đồng. Cứ sau mỗi vụ trộm cắp hàng thành công, Minh lại bỏ việc và sau đó lặp lại “kịch bản” ở một doanh nghiệp vận tải khác. Minh cũng tham gia cả 11 vụ trộm cắp và được chia tổng cộng 478 triệu đồng.
“Lơ xe” cho Minh là Đức cũng tham gia 11 vụ, được chia 180 triệu đồng. Danh tham gia 8 vụ, được chia 195 triệu đồng, Tân tham gia 5 vụ được chia 25 triệu đồng, còn Tiến, Huỳnh mới tham gia… Cơ quan công an đã tiến hành khám xét và triệu tập 2 đối tượng có hành vi tiêu thụ tài sản do băng nhóm này trộm cắp được.
Cảnh báo các doanh nghiệp vận tải và xuất khẩu hàng hóa
Việc các đối tượng trộm cắp hàng trong các container hàng xuất đi nước ngoài không chỉ khiến doanh nghiệp xuất hàng mất tài sản, mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp. Bởi sau khi trộm cắp hàng trong container, các đối tượng hàn lại kẹp chì như cũ, sau đó tiếp tục chở container đến các cảng để làm thủ tục xuất nhập khẩu như bình thường.
Các container sau một thời gian lênh đênh trên biển, đến được với các chủ hàng thì cũng khoảng nửa tháng đến một tháng. Sau khi làm thủ tục nhận hàng, các đối tác nước ngoài mở container kiểm hàng thì mới biết thiếu một số lượng hàng lớn so với đơn. Họ sẽ báo về để trừ tiền doanh nghiệp xuất hàng, thậm chí phạt việc thiếu hàng rất nặng. Một doanh nghiệp là nạn nhân của băng trộm này than rằng, số vốn của công ty anh chỉ còn 14 tỷ, nhưng vì mất hàng nên bị đối tác nước ngoài phạt đến 15 tỷ đồng, trả xong chắc… phá sản luôn.
Nhiều doanh nghiệp sau khi được bên đối tác nước ngoài báo mất hàng thì cũng loay hoay không biết mất hàng từ khâu nào, khi họ kiểm tra tại doanh nghiệp vận tải thì đã đủ thời gian cho những lái xe rởm như Minh kịp thời nghỉ việc.
Theo khai nhận của các đối tượng bị bắt trong chuyên án nói trên cũng như một số vụ án từng khám phá cho thấy, thủ đoạn trộm tài sản trong container của các đối tượng khá giống nhau. Đó là làm giả giấy phép lái xe FC (hiện có rất ít lái xe có giấy phép loại này nên các công ty vận tải container đang rất cần tuyển), giấy CMND, lí lịch giả để xin vào các công ty vận tải container làm việc.
Theo lời khai của các lái xe “rởm” trong các vụ trên, đa số chúng mua CMND của các hiệu cầm đồ (do một số người đến đặt CMND, cầm đồ, sau đó bỏ lại), thay ảnh của mình vào, rồi đặt các đối tượng ngoài xã hội làm giả cả bộ hồ sơ lái xe theo tên của người trong CMND đó, hoặc thuê làm giả nguyên bộ theo tên mà nhóm làm giấy tờ giả tự đặt ra với giá từ 5 đến 6 triệu đồng. 1-2 chuyến hàng vận chuyển đầu, chúng làm ăn nghiêm túc, sau đó các tài xế “rởm” thông đồng với bên ngoài rút ruột hàng hóa trong container trên đường vận chuyển (khoảng 1/3 đến một nửa số hàng hóa trong container).
Chúng dùng các dụng cụ máy móc phá kẹp chì, mở cửa container, lấy hàng ra rồi hàn lại như cũ, khiến các công ty không phát hiện ra ngay nên có vụ sau một vài tháng, hàng đã chuyển đến đối tác nước ngoài mới phát hiện bị mất khiến chủ hàng không thể xác định được hàng bị lấy cắp ở khâu nào.
Các điều tra viên cho biết, qua trực tiếp điều tra và chỉ đạo công an một số tỉnh, thành phố đấu tranh, triệt phá các băng nhóm trộm cắp hàng hóa trong container, các anh đã phát hiện những lỗ hổng chính trong việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng container. Muốn phòng ngừa tình trạng này, các doanh nghiệp vận tải cần chú trọng khâu tuyển người và phải tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ lái xe.
Các doanh nghiệp có hàng không nên khoán trắng việc vận chuyển cho doanh nghiệp vận tải, mà phải cử người giám sát hàng hóa cho đến khi các container được vận chuyển đến địa điểm giao hàng. Đối với lực lượng công an các đơn vị, địa phương, cần thu thập tài liệu, rút ra các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này để tuyên truyền cho các doanh nghiệp vận tải và xuất khẩu; tuần tra, kiểm soát đêm tại các bến bãi, điểm đỗ của xe container (thời điểm các xe container hoạt động) để phát hiện tội phạm. Đối với các vụ đã xảy ra, phải điều tra, xử lý nghiêm, góp phần răn đe tội phạm…