Về đầu trang

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dự báo không biến động mạnh mặc dù nhu cầu tái đàn cao

Posted by admin

Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù biến động thị trường thế giới phức tạp song thị trường nguyên liệu trong nước không biến động mạnh.

Tuy nhiên, tại thị trường Chương Mỹ, Hà Nội vừa qua thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gồm cám gạo và bột ngô có xu hướng tăng giá trong bối cảnh giá gạo đang tăng cũng như nhu cầu tái đàn lợn tại nhiều nơi đang gia tăng.

Cụ thể giá cám gạo và bột ngô đều tăng 100 – 3.000 đồng/kg.

Bộ NN&PTNT nhận định mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giá của nhiều nguyên liệu thức ăn thế giới giảm sâu, nhưng do nhu cầu tái đàn chăn nuôi trong nước lớn, thị trường nguyên liệu thức ăn dự báo sẽ không biến động mạnh trong thời gian ngắn hạn tới.

Theo số liệu của Trung tâm Tin học và Thống kê, ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 4 đạt 205 triệu USD, đưa tổng giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2020 lên hơn 1 tỉ USD, giảm 19,7% so với cùng kì năm 2019.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường Argentina (chiếm thị phần 43,3%), Mỹ (10,7%), Trung Quốc (5,7%).

So với cùng kì năm 2019, ngoài thị trường Argentina tăng 7,5%, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam từ hầu hết các thị trường chính đều giảm đáng kể, trong đó thị trường Mỹ giảm 55,7%, Trung Quốc giảm 5,2%.

Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 4 đạt 96 nghìn tấn với giá trị 38 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị đậu tương nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 526 nghìn tấn và 214 triệu USD, giảm 10% về khối lượng và giảm 7% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Ước khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 4 đạt 685 nghìn tấn với giá trị đạt 150 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 2 triệu tấn và giá trị đạt 419 triệu USD, giảm 32,3% về lượng và giảm 33,1% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Nguồn cung cấp ngô nhập khẩu cho Việt Nam chủ yếu từ hai thị trường chính là Argentina (chiếm tỉ trọng 45,9%) và Brazil (39,9%).

Trong 3 tháng đầu năm 2020, giá trị nhập khẩu ngô từ thị trường Argentina tăng 12,9% trong khi nhập khẩu từ thị trường Brazil giảm 65,8% so với cùng kì năm 2019.

 

Trả lời