Ai hưởng lợi từ giá lợn xuống thấp?
Những ngày qua, tại Tiền Giang, từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng xôn xao câu chuyện về giá lợn hơi xuống thấp.
Người dân nuôi heo đang phải chịu cảnh thua lỗ.
Theo ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, qua khảo sát hiện giá thành mỗi kg thịt lợn từ 25.800 – 33.700 đồng/kg trong khi giá lợn hơi thương lái thu mua ở mức 22.000 – 27.000 đồng/kg. Như vậy, sau chu kỳ nuôi khoảng 4 tháng, mỗi kg lợn hơi nông dân lỗ 3.000 – 12.000 đồng/kg. Nghĩa là mỗi tạ lợn hơi, người nuôi lỗ 300.000 – 1,2 triệu đồng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra rằng, liệu giá lợn hơi xuống thấp có khiến toàn bộ các khâu đều thua thiệt không. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng là đang thiệt thòi phải mua thịt với giá đắt đỏ, trong khi một bộ phận hưởng lợi từ chính việc giá lợn xuống thấp tận đáy thời gian qua.
Theo chị Phạm Thị Xuân Mai ở thị xã Cai Lậy, Tiền Giang, giá thịt lợn hiện vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, sáng 14/5 chị vẫn phải mua thịt lợn loại ngon nhất với giá 70.000 – 75.000 đồng/kg. Loại thường có giá 55.000 – 65.000 đồng/kg, tùy địa điểm bán. Chị Mai so sánh, giá thịt lợn tại chợ hầu như không thay đổi so với thời điểm đầu năm 2017.
Cũng theo ông Lê Minh Khánh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang vừa khảo sát giá bán thịt lợn tại các chợ trên địa bàn huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, TP Mỹ Tho và thị xã Gò Công – những thị trường nội địa lớn trong tỉnh. Qua khảo sát cho thấy, giá bán lẻ thịt lợn như hiện nay, mỗi tạ lợn hơi (100kg) lợi nhuận của tư thương đạt “kỷ lục”: 1.200.000 đồng. Trong khi đó, khâu tư thương kinh doanh lợn hơi (mua lợn hơi và giết mổ) lãi 350.000 đồng và tư thương bán lẻ tại chợ lãi đến 850.000 đồng/100 kg lợn hơi.
Tại thị xã Cai Lậy, những cơ sở chuyên giết mổ lợn có quy mô giết mổ mỗi ngày bình quân 70 con lợn hơi trở lên. Như vậy, khâu thu mua, giết mổ, bán lẻ thu lợi nhuận lớn trong khi người nuôi vất vả ròng rã trong bốn tháng thì lỗ nặng. Đây là một trong những nghịch lý lớn của phân khúc đầu ra thịt lợn, từ xuất chuồng đến lên bàn ăn của mỗi gia đình.
Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm trên thị trường thịt lợn và hầu hết thịt lợn bán lẻ cho người tiêu dùng tại các chợ trong tỉnh chỉ thấy lên giá lúc cao điểm lễ, tết nhu cầu lớn. Hoặc giữ giá cũ chứ chưa hề giảm giá những khi lợn hơi trên thị trường đầu ra khó khăn. Điều này cho thấy, khi giá lợn hơi xuống thấp lại có nhiều người được hưởng lợi bất hợp lý.
Anh Lê Văn Huỳnh, nhà ở phường 6, Thành phố Mỹ Tho cho biết, những ngày qua, gia đình anh mổ thịt lợn quá lứa đem bán trong xóm ấp với giá 40.000 đồng/kg, thậm chí chỉ 100.000 đồng/3 kg thịt lợn xô. Mục đích tiêu thụ bớt số lợn quá lứa trong chuồng để giảm lỗ.
Tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, anh Năm – một nông dân địa phương cho hay, chia sẻ khó khăn với các hộ nuôi lợn, nhiều hộ chung tiền mua lợn làm thịt chia nhau. Cách làm này giúp người nuôi giảm lỗ và người tiêu dùng có cơ hội sử dụng thịt lợn giá rẻ.
Tại Hội thảo triển khai giải pháp cấp bách hỗ trợ tiêu thụ lợn do tỉnh Tiền Giang tổ chức trong tuần qua, ông Phạm Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi lợn an toàn xã Hòa Định, Chợ Gạo kiến nghị lãnh đạo tỉnh có các giải pháp như: hỗ trợ mở các điểm bán thịt lợn an toàn cho người tiêu dùng với giá hợp lý. Các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm mạnh giá thức ăn, hỗ trợ tài chính duy trì nghề chăn nuôi lợn…
Trong khi chờ nhà nước có giải pháp mạnh giúp người chăn nuôi lợn vượt khó thì quản lý giá thu mua lợn hơi, giá giết mổ, giá bán lẻ tại các chợ, niêm yết giá bán hợp lý… là vấn đề bức thiết đặt ra đối với các nhà quản lý: ngành công thương, chính quyền địa phương, ban quản lý các chợ… Đừng để những nghịch lý về giá tồn tại trong khi người chăn nuôi, người tiêu dùng chịu thiệt hại thì bộ phận trung gian hưởng lợi từ chênh lệch giá bất hợp lý.