Bộ trưởng bộ NN-PTNT kêu gọi các doanh nghiệp chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp
Sau thời gian phát triển nóng, ngành chăn nuôi lợn đến nay đã bộc lộ nhiều tồn tại bất cập về thị trường. Đâu là giải pháp trước mắt và lâu dài cho ngành chăn nuôi lợn?
Giá lợn hơi lao dốc chưa có dấu hiệu dừng lại, đang dao động ở mức 25 – 28 ngàn/kg, có nơi chỉ còn 20 – 21 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Sáng 24/4, Bộ NN-PTNT làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm để tìm giải pháp trước mắt và lâu dài cho ngành chăn nuôi lợn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ra lời hiệu triệu kêu gọi các doanh nghiệp hãy tăng giá mua, giảm giá bán, miễn lãi suất để chia sẻ với người chăn nuôi
Trong bối cảnh giá thịt lợn hơi đang ở mức thấp kỷ lục (thấp nhất thế giới), người chăn nuôi điêu đứng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ra lời hiệu triệu kêu gọi các doanh nghiệp hãy tăng cường thu mua lợn hơi đồng thời giảm tối đa giá đầu vào từ con giống, thức ăn, thuốc thú y… để chia sẻ cùng người chăn nuôi lúc khó khăn này.
“Tôi đề nghị các doanh nghiệp rà soát lại toàn bộ quy trình, khấu hao, thậm chí lúc này không lấy đồng lãi nào, cố gắng giảm hết cho bà con. Chia sẻ với bà con cũng chính là vì sự bền vững của doanh nghiệp”, Bộ trưởng kêu gọi.
Theo Bộ trưởng, suốt 20 năm doanh nghiệp ngành chăn nuôi đồng hành cùng bà con với nhiều thắng lợi, nay gặp khó khăn lớn, hãy cùng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.
Những đơn vị lớn chia sẻ bằng cách tập trung mua sản phẩm đưa vào chế biến tạm trữ một phần, như tập đoàn DABACO, Massan… đã làm khá tốt. Các trung tâm thương mại có điều kiện chế biến, tạm trữ, bảo quản được tốt thì mong các đồng chí thực hiện.
Cùng với đó là tập trung giải pháp an toàn dịch bệnh. Giá cả thấp, người chăn nuôi chán nản, lơ là tiêm phòng, để xảy ra dịch bệnh thì cực kỳ nguy hiểm.
Đề cập đến thực trạng khó khăn của ngành chăn nuôi lợn hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, có hai nhóm nguyên nhân. Một là, cung vượt cầu. 20 năm qua chúng ta mở sức sản xuất lớn cho thực phẩm, đặc biệt là chăn nuôi, riêng mặt hàng sữa trong 15 năm tăng 15 lần (từ 51 ngàn tấn lên 800 ngàn tấn). Thịt các loại tăng 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn. Nuôi trồng thủy sản tăng 4,3 lần, từ 0,8 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn.
Cơ cấu tiêu dùng thực phẩm đã có sự thay đổi. Trước đây, trong bữa ăn chủ yếu là thịt lợn nay đã có thêm các loại thực phẩm khác. Sự thay đổi cơ cấu thực phẩm này khiến sức tiêu thụ thịt lợn giảm.
Hai là, nghiêm túc nhìn nhận thì tổ chức ngành hàng thịt lợn của ta chưa tốt. Trong tổ chức sản xuất quy mô trang trại vừa và lớn chỉ chiếm 45% tổng đàn, 55% vẫn ở quy mô nhỏ lẻ (xấp xỉ khoảng 3 triệu hộ), dẫn đến giá thành cao, không có điều kiện sản xuất chuỗi, tách rời tất cả các khâu từ nuôi, thị trường, phân phối, chế biến. Khi có biến động về giá cả thì nhóm này chịu thiệt hại nhất.
Vẫn theo Bộ trưởng, chế biến là khâu yếu nhất trong ngành chăn nuôi hiện nay. Hầu hết tiêu thụ sản phẩm của ta chủ yếu là sử dụng sản phẩm tươi. Khu vực tiêu thụ và xuất khẩu của ngành hàng này lại kém. Các trung tâm giết mổ quy hoạch là vậy nhưng đưa vào hoạt động còn yếu kém. Các dịch vụ truyền thống còn chiếm phần lớn, người dân chủ yếu bán thịt tươi.
Về xuất khẩu, mới chỉ xuất được một lượng lợn sữa đi Hồng Kông, Singapore; thị trường khổng lồ Trung Quốc, ASEAN kề sát nhưng ta vẫn chưa xuất khẩu được.
Từ phân tích trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu một số nhóm giải pháp mang tính định hướng lâu dài cho ngành chăn nuôi lợn.
Thứ nhất, cần nhanh chóng tái cơ cấu chăn nuôi lợn theo hướng giảm quy mô và tốc độ tăng trưởng phù hợp thị trường. Cần giảm số lượng đàn nái xuống. Theo Bộ trưởng, hiện đàn nái 4,2 triệu con là quá lớn. Mục tiêu đến 2019 tổng đàn nái cả nước giảm xuống còn 3 triệu con, tuy nhiên chất lượng nái phải tăng lên để giảm chi phí, hạ giá thành mà vẫn giữ được quy mô đàn.
Hai là, tập trung tổ chức lại ngành hàng thịt lợn. Một mặt mở rộng chăn nuôi tập trung, đi cùng sắp xếp lại chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổ chức sản xuất dưới dạng tổ đội, hợp tác xã. Như mô hình hợp tác xã Quý Hiền ở Lào Cai hoạt động rất tốt. Có kế hoạch đầu ra, chuyển giao KHKT. Khuyến khích một số nông hộ có điều kiện chăn nuôi chuyển sang vật nuôi khác, đáp ứng việc điều tiết sức sản xuất.
Ba là, tăng cường chế biến sâu. Kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào cuộc, hình thành các chuỗi sản xuất, theo hướng khép kín tạo ra sản phẩm chế biến sạch để tiêu thụ. Từng bước làm tốt khâu chế biến. Bây giờ người tiêu dùng họ sử dụng nhiều sản phẩm được chế biến từ con lợn nên chúng ta phải hết sức coi trọng.
Bốn là, tập trung tiêu thụ, cung ứng thị trường trong nước. Sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Trung Quốc thì lãnh đạo hai nước thống nhất tăng cường giao thương thực phẩm, thịt lợn, rau, sữa. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục sang làm việc với phía Trung Quốc nhằm hối thúc thị trường tiêu thụ theo hướng xuất chính ngạch. Ngoài ra sẽ có các chuyến xúc tiến thị trường ở ASEAN. Vừa rồi một số doanh nghiệp ở Đồng Nai đã được phía Nhật Bản đồng ý nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của VN, trong đó có con lợn. Đây là một tín hiệu tốt.
VĂN HÙNG