Căng thẳng giá thức ăn chăn nuôi bao trùm khu vực
Không chỉ Việt Nam, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng ở nhiều nước châu Á, khi thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu đang tiếp tục căng thẳng.
Giá nhập khẩu các loại nguyên liệu tăng mạnh
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – VITIC (Bộ Công Thương), trong những tháng đầu năm nay, giá bột thịt xương nhập khẩu về Việt Nam tăng khá nhiều so với cùng kỳ 2020 và tháng sau có xu hướng cao hơn tháng trước.
Cụ thể, trong tháng 2/2021 nhập khẩu bột thịt xương về Việt Nam chỉ tăng 0,2% về lượng nhưng lại tăng 5,1% về trị giá so với tháng 1/2021. So với tháng 2/2020, lượng bột thịt xương nhập khẩu trong tháng 2/2021 tăng 32,2% nhưng giá trị lại tăng tới 85,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, lượng nhập khẩu bột thịt xương tăng 34,5% về lượng và tăng 83,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tính ra mức tăng của giá trị cao gấp mấy lần mức tăng của lượng. Điều đó cho thấy giá bột thịt xương nhập khẩu đầu năm nay đã tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo VITIC, tính tới tháng 3/2021, chỉ số giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu đã tăng tháng thứ 6 liên tiếp.
So với tháng 2/2021, chỉ số giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu trong tháng 3/2021 tăng ở hầu hết các nhóm hàng, dao động trong biên độ 0,74% (khô dầu lạc) đến 9,64% (khô dầu đậu nành). Ngược lại, có duy nhất nhóm cám, tấm và phế liệu khác có mức giảm rất khiêm tốn là 0,13%
So với tháng 3/2020 chỉ số giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu trong tháng 3/2021 tăng ở 5 nhóm hàng. Trong đó, chỉ số giá khô dầu đậu nành tăng cao nhất 36,33%; tiếp đến bột thịt xương, bột cá, bột tôm tăng 26,68%; nhóm phế liệu từ quá trình sản xuất tinh bột và phế liệu tương tự, bã ép củ cải đường, bã mía và phế liệu khác từ quá trình sản xuất đường, bã và phế liệu từ quá trình ủ hay chưng cất, ở dạng bột viên hoặc không ở dạng bột viên tăng ít nhất với 10,07% …
Giá thức ăn chăn nuôi và nhập khẩu tăng mạnh đã làm cho giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục tăng lên trong nhiều tháng qua. Theo một nguồn tin, trong tháng 3 vừa rồi, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng giá thức ăn khoảng 13-22 USD/tấn so với tháng 2.
Căng thẳng bao trùm các nước trong khu vực
Không chỉ Việt Nam, các nước có nền chăn nuôi lớn trong khu vực ASEAN và châu Á cũng đang đối mặt với tình trạng căng thẳng về giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu. Mà nguyên nhân chính là do nguồn cung bị hạn chế, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn tới việc bốc dỡ hàng ở nhiều cảng biển, giá cước vận tải biển tăng cao trên toàn cầu …
Ở Sri Lanka, việc các nhà nhập khẩu gặp khó khăn khi dỡ hàng số lượng lớn ở cảng Colombo đã khiến cho một số tàu chở thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu phải chuyển hướng sang các cảng khác trong khu vực. Điều này đã góp phần làm tăng giá thức ăn chăn nuôi ở Sri Lanka.
Giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu cũng đang là vấn đề thời sự tại các nước ASEAN như Thái Lan, Indionesia… Bởi cũng như Việt Nam, những nước này vẫn đang phải phụ thuộc ít nhiều vào nguồn ngô, đậu tương… nhập khẩu. Một nguồn tin cho biết, Indonesia đã phải tạm dừng xuất khẩu ngô nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường nội địa. Lượng đậu nành và bột hạt cọ nhập khẩu vào Indonesia để làm thức ăn chăn nuôi trong niên vụ 2021/22 dự kiến sẽ tăng lên đáng kể so với mức thấp trong niên vụ trước. Thái Lan cũng sẽ phải tăng nhập khẩu lúa mì, ngô làm thức ăn chăn nuôi.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua ngũ cốc, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu chăn nuôi đang phục hồi ở nước này, cũng tác động đáng kể đến giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trên thế giới. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay, trong niên vụ 2020/21, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 99 triệu tấn đậu tương và dự báo sẽ nhập 100 triệu tấn trong niên vụ tới.
Cơn khát ngũ cốc của Trung Quốc chưa có dấu hiện dịu lại, khiến cho Chính phủ nước này đã yêu cầu các chuyên gia dinh dưỡng vật nuôi tìm những lựa chon thay thế cho ngô và đậu tương nhằm giảm lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này không thể giải quyết trong thời gian trước mắt.
Mới đây, trước tình trạng giá ngô tăng lên mức kỷ lục, Trung Quốc đã phải lên kế hoạch bán ra hàng triệu tấn gạo dự trữ để làm thức ăn chăn nuôi.