Cánh chim báo ‘bão’ giá dầu giảm: Hàng loạt doanh nghiệp ngành dầu khí thua lỗ trong quý IV
Hoạt động kinh doanh thua lỗ của “ông lớn” đầu ngành dầu khí: Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Coating (PVB)
Quý IV/2018, giá dầu thô thế giới chứng kiến sự giảm mạnh do nguồn cung tăng mạnh, trong khi đó nguồn cầu được dự báo giảm trong năm tới bởi triển vọng tăng trưởng nền kinh tế thế giới chậm lại. Với diến biến đi xuống của giá dầu, hàng loạt doanh nghiệp dầu khí công bố kết quả kinh doanh kém khả quan, đáng chú ý là việc thua lỗ đầu ngành.
Trong báo cáo tài chính được công bố mới đây, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2018 kém khởi sắc. Cụ thể, doanh thuần của công ty đạt 29.238 tỉ đồng. Giá vốn hàng bán lên tới 30.069 tỉ khiến công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 1.010 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng cuối năm 2018, doanh thu thuần công ty đạt 56.058 tỉ đồng, tăng 0,3% so với nửa đầu năm. Do kết quả kinh doanh quý IV thua lỗ khiến LNST giảm mạnh 95,6% so với nửa đầu năm, đạt 150 tỉ đồng.
Theo nghị quyết được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2018, trong 2 quý cuối năm 2018, công ty đặt chỉ tiêu tổng doanh thu 39.371 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.754 tỉ đồng. Như vậy, công ty vượt 42,4% chỉ tiêu doanh thu nhưng chỉ đạt 8,6% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Một doanh nghiệp đầu ngành dầu khí khác là CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating, mã: PVB) cũng công bố kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý IV/2018. Cụ thể, doanh thu thuần công ty đạt 14,8 tỉ đồng, tăng 64% so với cùng kì năm trước. Do giá vốn hàng bán duy trì ở mức cao, PV Coating báo lỗ 7 tỉ đồng trong quý IV/2018 trong khi cũng kì năm trước lãi 38,6 tỉ đồng.
Tổng doanh thu cả năm 2018 của PV Coating đạt 202,6 tỉ đồng, tăng 144% so với năm 2017. Trong đó, 90% doanh thu đến từ hoạt động bọc ống, đạt 184 tỉ đồng, tăng 177 tỉ đồng so với năm trước. Do không còn hạch toán khoản lợi nhuận khác trong năm 2018, PV Coating ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 59%, đạt 23 tỉ đồng. Kết quả là, PV Coating chỉ thực hiện được 71% chỉ tiêu doanh thu và 83% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2018.
Hàng loạt doanh nghiệp ngành dầu khí thua lỗ trong quý IV/2018
Trong BCTC mới công bố, CTCP Hóa phẩm Dầu khí DMC – Miền Bắc (Mã: PCN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2,8 tỉ đồng trong quý IV, giảm 64% so với cùng kì năm ngoái. Dù tổng chi phí gồm chi phí lãi vay, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm nhưng giá vốn hàng bán cao khiến công ty bị lỗ ròng 1,4 tỉ đồng so với năm 2017 lỗ 2,6 tỉ đồng.
Diễn biến tương tự, CTCP Du lịch Dầu Khí Phương Đông (Mã: PDC) báo lỗ 4,3 tỉ đồng trong quý IV/2018. Theo đó, doanh thu thuần công ty giảm 69,6% so với cùng kì năm trước, đạt 16,9 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp ở mức thấp, chỉ đạt 2 tỉ khiến công ty lỗ ròng sau khi khấu trừ các loại chi phí. Kết quả là, Du lịch Dầu khí Phương Đông ghi nhận khoản lỗ 4,3 tỉ đồng trong khi cùng kì năm trước lãi 535 triệu.
Một doanh nghiệp dầu khí khác là CTCP Vận tải Hoá dầu VP (Mã: VPA) báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2018 không mấy khả quan. Cụ thể, doanh thu thuần của Vận tải Hoá dầu VP đạt 20,2 tỉ đồng, giảm 25,6% so cùng kì năm trước nhưng giá vốn hàng bán vẫn tương đương cùng kì khiến lợi nhuận gộp giảm còn 7,5 tỉ đồng. Chi phí lãi vay tăng 290 triệu đồng so với kì trước, cùng với việc không còn hạch toán khoản lợi nhuận khác hơn 450 triệu đồng như quý IV/2017, khiến công ty báo lỗ 10,4 tỉ đồng cho quý cuối năm 2018.
Triển vọng không mấy khả quan về các dự án trong năm 2019
Theo báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), công ty chứng khoán nhận định về ngành Dầu khí vẫn chưa có nhiều dự án lớn được triển khai trong năm 2019, ngoại trừ Sao Vàng Đại Nguyệt. Một sốc dự án lớn bị chậm tiến độ có thể sẽ khởi động trong năm 2019 – 2020, do tính tới thời điểm hiện tại chỉ mới có một dự án Sao Vàng Đại Nguyệt đã có những triển khai nhất định, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2020. Một số dự án lớn kì vọng sớm triển khai như Dự án Lô B Ô Môn, Dự án Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 2, Cá Voi Xanh.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này dự báo giá dầu dao động giảm trong năm 2019 do lo ngại sụt giảm về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới giảm; Tình trạng dư cung có thể kéo dài do tồn kho dầu đang ở mức cao (Khu vực Châu Á, Mỹ) và Nguồn cung dầu tăng toàn cầu tăng nhanh hơn dự báo trước đó. Cụ thể, sản lượng của Ả-rập Saudi (11.3 triệu thùng/ngày), Nga (11.4 triệu thùng/ngày) và Mỹ (11.5 triệu thùng/ngày) đã bù đắp cho việc sụt giảm khai thác tại Iran và Venezuela.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng