Cơn khát đậu nành của Trung Quốc khiến Mỹ tính đến kịch bản nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu
Nhu cầu đậu nành của Trung Quốc lớn đến mức các nhà máy chế biến tại Mỹ có lẽ sẽ cần phải nhập khẩu khối lượng đậu nành cao kỷ lục trong nhiều năm vào mùa hè năm nay để đủ cung ứng cho quốc gia tiêu thụ đậu nành lớn nhất giới này.
Theo công ty tư vấn AgResource (trụ sở tại Chicago, Mỹ), vào đầu tháng tới, doanh số bán đậu nành cho thương nhân nước ngoài dự kiến sẽ vượt ước tính cho cả niên vụ của chính phủ Mỹ.
Các cơ sở chế biến tại Mỹ cũng liên tục ghi nhận kỷ lục về khối lượng đậu nành cần phải xay xát. Với tốc độ hiện tại, Mỹ có thể sắp cạn kiệt đậu nành, ít nhất là trên số liệu chính thức.
Số lô đậu nành Mỹ xuất đến Trung Quốc tăng chóng mặt sau khi Brazil và các nước khác hết nguồn cung đậu nành dành cho mục đích xuất khẩu. Các doanh nghiệp tại Bắc Mỹ có thể sắp có chung cảnh ngộ với Brazil.
Ông Matt Campbell, chuyên gia tư vấn rủi ro tại công ty StoneX (trụ sở tại Mỹ) cho biết trong năm nay, nhập khẩu đậu nành của Mỹ có thể chạm mức đỉnh kể từ năm 2014 do nhu cầu lớn từ các nhà máy xay xát trong nước, trước khi nông dân Mỹ thu hoạch vụ mùa mới. Các nhà máy này thường chế biến đậu nành thành thức thức ăn chăn nuôi, dầu ăn hoặc nhiên liệu.
Dù các công ty xuất khẩu đậu nành lớn từ Mỹ thường nhập khẩu lượng nhỏ đậu nành từ các nước khác, nhiều khả năng họ sẽ tăng nhập khẩu đậu nành trong năm nay khi mà giá đậu nành kỳ hạn tại Chicago đang neo gần mức đỉnh 6 năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Điều này sẽ khiến đậu nành từ Nam Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà chế biến của Mỹ.
“Năm nào cũng có doanh nghiệp nhập khẩu một ít đậu nành”, ông Campbell nói. “Tuy nhiên, năm nay chúng ta sẽ chứng kiến một trong những đợt nhập khẩu kỷ lục trong lịch sử”.
Bloomberg dẫn lời ông John Baize, cố vấn cho Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Mỹ, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Năm nay, nguồn cung rất lớn nhưng nhu cầu còn khủng hơn”.
Hôm 12/1, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã tăng hơn hai lần triển vọng nhập khẩu đậu nành của Mỹ. Ước tính trong vụ mùa bắt đầu từ ngày 1/9, doanh nghiệp Mỹ sẽ nhập khẩu khoảng 35 triệu giạ đậu nành. StoneX của ông Campbell còn đưa dự báo lên mức 70 triệu thùng. Con số này chỉ thấp hơn 72 triệu thùng đậu mà Mỹ nhập khẩu trong niên vụ 2013- 2014.
Song, lượng đậu nành nhập khẩu ước tính còn khá khiêm tốn so với 2,23 tỷ giạ mà Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến sẽ được vận chuyển khỏi các cảng biến của Mỹ. Giá đậu nành có thể tiếp tục tăng đến mức biên lợi nhuận của các công ty chế biến giảm sút, khiến nhu cầu của họ bị hạn chế.
“Mỹ thực sự cần phải kiểm soát hoạt động chế biến đậu nành trong nước trong ngắn hạn vì vụ mùa của Brazil đang bị trì hoãn và Trung Quốc đang mua nhiều hàng hơn nữa cho tháng 2”, nhà phân tích Tarso Veloso của AgResource nhận định.
“Chúng tôi dự đoán, để nhu cầu của các công ty chế biến trong nước chững lại, giá đậu nành giao tháng 3 sẽ phải tăng lên 14,6 USD/giạ, hoặc thậm chí 15 USD/giạ”, ông Veloso nói tiếp.
“Ở tốc độ xuất khẩu hiện tại, Mỹ có thể bị thâm hụt nguồn cung. Tuy nhiên, đó chỉ là số liệu trên giấy và sẽ không thực sự xảy ra, vì giá sẽ tăng cao và hạn chế nhu cầu của các công ty chế biến”, nhà phân tích của AgResource nói tiếp.