Đề xuất áp thuế cacbon đối với xăng, dầu
Thuế cacbon đang được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng trái đất nóng dần lên. Thuế cacbon ra đời nhằm hướng người dân cùng các thành phần kinh tế tới thói quen tiết kiệm và hạn chế các loại năng lượng có nguồn gốc từ những mỏ thiên nhiên (dầu hỏa, khí đốt, than đá…). Sử dụng các loại năng lượng này sẽ làm thải ra khí CO2, một trong những nhân tố chính làm tăng hiệu ứng nhà kính. Các nhà chuyên môn cho rằng những phí tổn về môi trường do những loại năng lượng này gây ra cần được tính vào giá trị thương mại của chúng trên thị trường qua một loại thuế cụ thể.
Chiều 1/12, tại Hà Nội, diễn đàn mô phỏng nghị viện trẻ (VNYP) đã tổ chức buổi tọa đàm “Đề xuất thuế cacbon nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải CO2 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”. Năm 2018, Việt Nam đã vượt qua hơn 1.300 hồ sơ đến từ 150 quốc gia để trở thành đại diện duy nhất nhận được tài trợ từ Cuộc thi Alumni Engagement Innovation Fund (AEIF) của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tại buổi tọa đàm, nhóm VNYP cho rằng để đạt được mục tiêu cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, có thể tiết giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có những sự chuẩn bị và hành động thiết thực để đảm bảo về đích đúng thời hạn.
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2100, nếu nước biển dâng 1m thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh sẽ mất 7,6 triệu tấn lúa, tương đương1/4 tổng sản lượng cả vùng.
Thực tế đó một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến trầm trọng hơn, nên cần có hành động để thực sự thay đổi từng ngày hiện trạng này. Trong các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế CO2 được sử dụng tương đối phổ biến. Đây là loại thuế tính vào lượng CO2 của thiên nhiên – một trong những tác nhân làm trái đất nóng lên và gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Đối tượng chịu thuế CO2 chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu, methanol, butan, khí hóa lỏng, than bùn, than đá. Cơ sở tính thuế là lượng khí thải CO2 tính theo tấn khí thải. Thuế suất CO2 có thể được xác định tương đối theo tỷ lệ phần trăm hay thuế suất tuyệt đối hoặc hỗn hợp.
Mức thuế cacbon ở Pháp năm 2010 đã được áp ở mức 17 euro/tấn CO2. Trong khi đó Canada đã công bố kế hoạch áp thuế cacbon trong 5 năm từ 2018-2022. Canada sẽ áp thuế 10 CAD (7,35 USD)/tấn khí thải carbon và mức thuế này sẽ tăng thêm 10 CAD mỗi năm tiếp theo cho đến khi lên mức tối đa 50 CAD/tấn vào năm 2022. Kế hoạch này bao gồm cơ chế mua bán hạn ngạch khí thải dành cho ngành công nghiệp nặng gây ô nhiễm từ năm 2019.
Nguồn : Báo Người Đưa Tin