Về đầu trang

Đình công nghiêm trọng tại Brazil và những tác động tới Việt Nam

Posted by admin
Category:

Tóm tắt quá trình đình công tại Brazil

  • 21/05: Hiệp hội xe tải Brazil phát động đình công trên phạm vi toàn quốc để phản đối giá dầu diesel tăng cao. Nếu như trong tháng 1/ 2018 giá dầu diesel tại Brazil là 3.36 R$/lít thì tới ngày 20/5 giá là 3.6 R$/lít, tức tăng khoảng 7,1%. Cuộc đình công đã thu hút hàng trăm nghìn lái xe tham gia và phong tỏa các tuyến đường cao tốc huyết mạch đi bến cảng, nhà ga, sân bay. Tuyến đường cao  tốc BR116 nối liền giữa các vùng sản xuất ngũ cốc chính như Mato Grosso, Goias đi các cảng xuất khẩu chính như Santos, Paranagua bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
  • 24/05: Chính phủ và các tổ chức công đoàn vận tải của Brazil đạt được một thỏa thuận, theo đó, giới  lái xe tải sẽ ngừng cuộc đình công trong vòng ít nhất 15 ngày trong khi chính phủ sẽ giảm 10% giá nhiên liệu trong 30 ngày, đồng thời cam kết bình ổn giá xăng dầu.
  • 26/05: Chính phủ Brazil công bố mức giá xăng dầu mới. Theo đó giá dầu tại Brazil được điều chỉnh giảm 0,46 R$/lít, tương đương mức giảm khoảng 12%. Mức giá này được cố định trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, những người biểu tình cho rằng với thỏa thuận này, chính phủ chỉ đưa ra giải pháp tạm thời và chưa thấu đáo cho bài toán giá nhiên liệu tăng cao. Theo đó tính đến tối ngày 27/5, gần 600 con đường của Brazil vẫn bị phong tỏa.
  • 29/05: Cuộc đình công của giới xe tải tại Brazil bước sang ngày thứ 10, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế với con số ước tính lên tới vài tỷ USD.
  • 30/05: Một số nhóm xe tải tại Brazil bắt đầu quay trở lại làm việc sau khi đạt được một số thỏa thuận với chính phủ.

Theo thống kê từ Cargonave Group, tính tới hết ngày 29/05, tại Santos – cảng xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất của Brazil, có khoảng 60 đang tàu chờ lấy hàng, với tổng lượng hàng dự kiến lấy đạt gần 3,3 triệu tấn, trong đó chủ yếu là mặt hàng đậu tương đi Trung Quốc và khô đậu tương đi các nước châu Á. Do đình công kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận chuyển ngũ cốc từ nơi sản xuất về Cảng cũng như về các nhà máy ép dầu nên các tàu này dự kiến phải chờ từ 5-20 ngày mới lấy được hàng. Theo ANEC, một nhóm thương mại đại diện cho các nhà xuất khẩu ngũ cốc như ADM, LDC… không có xe tải nào chuyển đậu tương đến cảng Santos kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 21 /05. Trong những ngày đầu đình công, các nhà xuất khẩu vẫn có thể giao hàng do vẫn còn tồn kho ở cảng, tuy nhiên tồn kho hiện còn rất thấp. Các nhà xuất khẩu đậu tương đang xem xét tuyên bố bất khả kháng trên các lô hàng, một điều khoản hợp đồng được phát hành khi các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Hình 1: Lượng hàng đang chờ lấy hàng tại các cảng chính của Brazil và thời gian chờ dự kiến tính tới 29/5/2018 (nghìn tấn, ngày)

Nguồn: AgroMonitor Tổng hợp

Thống kê của Thomson Reuter cho thấy, xuất khẩu đậu tương của Brazil trong tháng 4 đạt 11,3 triệu tấn và dự kiến đạt 11,8 triệu tấn trong tháng 5 – mức kỷ lục từ trước đến nay về lượng xuất khẩu theo tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đình công kéo dài nên  một số tàu dự kiến đi trong tháng 5 có thể phải hủy bỏ hoặc lùi sang tháng 6. Do đó, lượng đậu tương Brazil về cảng Trung Quốc vào đầu và giữa tháng 7 có thể bị giảm mạnh do tàu về trễ, cộng thêm Trung Quốc hầu như không mua đậu tương từ Mỹ trong suốt giai đoạn từ 4/4-20/5 (thời gian căng thẳng thương mại Mỹ Trung leo thang) nên Trung Quốc có thể phải mua bổ sung đậu tương Mỹ để hàng về kịp cho kế hoạch sản xuất trong tháng 7 và tháng 8.

Hình 2: Lượng đậu tương Trung Quốc nhập khẩu năm 2017-2018 (nghìn tấn)

AgroMonitor Tổng hợp từ hải quan Trung Quốc

Đối với Việt Nam, từ tháng 4/2018 trở lại đây, khô đậu tương từ Brazil được chào bán phổ biến hơn do nguồn cung khô đậu tương từ Argentina khan hiếm trong khi khô đậu tương Mỹ giá cao. Theo số liệu tàu dự kiến về cảng Việt Na m trong tháng 5 và tháng 6, khô đậu tương từ Brazil chiếm trên dưới 50% tổng lượng khô đậu tương Việt Nam nhập từ các thị trường, ngang bằng với lượng khô đậu tương nhập từ Argentina. Mặc dù trong giai đoạn Brazil xảy ra đình công không còn tàu khô đậu tươ ng nào dự kiến lấy hàng về Việt Nam nhưng do các nhà máy ép dầu đậu tương tại các cảng bị tê liệt trong gần 2 tuần, ảnh hưởng tới nguồn cung khô đậu tương ra thị trường trong tháng 6 nên các tàu khô đậu tương dự kiến lấy hàng trong tháng 6 có thể sẽ bị trễ  hơn so với dự kiến, do đó sẽ ảnh hưởng tới lượng khô đậu tương về Việt Nam trong tháng 7.

Hình 3: Lượng khô đậu tương từ Argentina và Brazil về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 (tấn)

Nguồn: AgroMonitor Tổng hợp

 

Trả lời