Về đầu trang

Doanh nghiệp vận tải đề nghị dừng phương án cải tạo sơ mi rơ-moóc

Posted by admin

Việc triển khai cải tạo sơ mi rơ-móoc khiến doanh nghiệp phải chạy theo chính sách đầu tư, đổi mới phương tiện liên tục, gây khó khăn và tốn kém.

Tại buổi tọa đàm “Trao đổi về những vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực vận tải hàng hóa, đồng thời tư vấn các giải pháp kiến nghị nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM tổ chức chiều nay (2/12), các doanh nghiệp vận tải cho rằng: Việc triển khai cải tạo sơ mi rơ-móoc đã bộc lộ nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và lãng phí hàng ngàn tỷ đồng.

Các đại biểu tại buổi tọa đàm

Theo các doanh nghiệp vận tải, từ năm 2014 đến nay, trong quá trình cải tạo, Cục Đăng kiểm Việt Nam liên tục thay đổi tải trọng thiết kế, tải trọng toàn bộ của sơ mi rơ-moóc mới. Các thay đổi này khiến doanh nghiệp phải chạy theo chính sách đầu tư, đổi mới phương tiện liên tục, gây khó khăn và tốn kém.

Cũng do quy định của Bộ Giao thông vận tải thay đổi quá nhanh và đột ngột, nên các nhà sản xuất sơ mi rơ-moóc trong nước không đáp ứng kịp, doanh nghiệp phải nhập khẩu hàng ngàn thiết bị sơ mi rơ-moóc thay thế cho sơ mi rơ-moóc 3 trục và 2 trục.

Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nên dừng việc cải tạo sơ mi rơ-moóc, đồng thời thay đổi cách tính tải trọng áp dụng cho tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơ-moóc để vừa bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Đại diện doanh nghiệp vận tải nêu ý kiến tại tọa đàm

Dừng xử phạt đối với người điều khiển xe, chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện trực tiếp điều khiển xe vận chuyển hàng hóa mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường.

Chỉ xử phạt đối với lái xe, chủ phương tiện xe đầu kéo sơ mi rơ-moóc loại 5 hoặc 6 trục khi chở hàng quá tổng trọng lượng của xe. Bỏ hình thức kiểm tra tải trọng trục đối với tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơ-moóc nhằm góp phần hạn chế tiêu cực.

Luật sư Thái Văn Chung, cho rằng: “Gần đến ngày xử phạt mà phương án cuối cùng để tìm giải pháp phù hợp cho việc cải tạo sơ mi rơ-moóc vẫn chưa đạt được, nên tôi đề xuất dừng, tính lại, quy định lại đối với việc cải tạo tải trọng xe tổ hợp, đặc biệt là xe tổ hợp chở container. Đề nghị Chính phủ ra Nghị quyết dừng chương trình xử phạt tải trọng trục từ 1/1/2017”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính thay đổi quy định về vé tháng giao thông đường bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải.

Chính phủ cần chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, khu chế xuất… rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu đường bộ gắn biển báo tải trọng thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, giảm phí bảo trì đường bộ đối với vận tải hàng hóa bằng ô tô.

Trước thực trạng trên, Bộ Giao thông vận tải đã hai lần gia hạn thời gian cải tạo sơ mi rơ-moóc và lùi thời hạn xử phạt tải trọng trục xe để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải tạo phương tiện. Thời hạn gia hạn lần thứ hai cũng sắp hết và thời hạn áp dụng xử phạt tải trọng trục bắt đầu từ ngày 1/1/2017.

Nguồn : VOV

 

 

 

 

 

Trả lời