Doanh nghiệp vận tải “sống chung” với “bão giá” nhiên liệu
Trước áp lực giá nhiên liệu tăng cao liên tục, nhiều DN vận tải đang phải “gồng mình” cân đối thu chi, đồng thời có phương án phù hợp để duy trì hoạt động.
Vận tải “khó thở”
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua và có thể tiếp tục tăng khiến các DN vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, với các loại xe container, xe tải nặng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng từ 35-40%, còn các loại xe khác chiếm trung bình khoảng 25%. Bên cạnh đó, DN còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT… khiến các DN gặp vô vàn khó khăn.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến lượng hành khách giảm mạnh, gần đây nhiều DN vận tải lại tiếp tục đối mặt với khó khăn khi giá nhiên liệu liên tục tăng.
Bà Bùi Thị Huy Viễn, chủ nhà xe Tư Viễn chạy tuyến TPHCM – Quảng Ninh) cho biết, gần 2 tháng nay bà đứng ngồi không yên khi giá xăng liên tục leo thang trong khi số lượng hành khách ngày càng giảm. Chỉ trong thời gian ngắn, bà Viễn đã phải bán 2 chiếc xe khách để trả nợ ngân hàng và bù lỗ. Tần suất các chuyến xe khách xuất bến cũng phải cắt giảm vì càng chạy càng lỗ.
Tương tự, bà Hồ Thị Thu Phượng, nhà xe Phương Sa chạy tuyến Bến xe Miền Đông (TPHCM) – Vũng Tàu cho biết, giá xăng dầu tăng quá cao mà lượng hàng khách thì không có khiến hoạt động của đơn vị vận tải khó chồng khó. Theo bà Phượng, trước dịch nhà xe có hơn 10 chiếc hoạt động, sau dịch lượng khách giảm chỉ còn 4 chiếc và đến nay chỉ còn 2 chiếc. Mỗi chặng chi phí xăng dầu, lương tài xế… khoảng 2 triệu nhưng có khi chỉ có được 1 khách nên nhà xe đang phải ra bù lỗ.
Không chỉ vận tải hành khách, lĩnh vực vận tải logistics nội địa cũng đang đối mặt với nhiều áp lực khi giá xăng dầu tăng cao. Đại diện Công ty CP vận tải Quang Châu (TPHCM) cho hay, đơn vị này có hơn 200 phương tiện vận tải và container với hơn 180 tài xế đang nằm neo bãi. Hoạt động vận tải hàng hóa hiện chỉ đang duy trì cầm chừng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước đây với đối tác vì chạy càng nhiều DN càng lỗ.
Ông Lê Thanh Thảo, đại diện Công ty CP Vận tải Quang Châu cho hay, giá xăng tăng nhưng lộ trình điều chỉnh cước phí vận tải phải cân nhắc kỹ càng, đặc biệt trong giai đoạn này lượng hàng hóa rất ít. Việc điều chỉnh giá cước chỉ là vấn đề thời gian để giảm lỗ, tuy nhiên điều chỉnh như thế nào để giữ sự ổn định, duy trì được sự cạnh tranh là bài toán khó.
Khó tăng giá vé
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nguy cơ lớn hơn là ở chỗ, giá xăng dầu tăng cao kéo dài sẽ kiến tạo mặt bằng giá cước vận tải mới ở mức cao, và kéo dài tương ứng. Theo quy luật kinh doanh, cước vận tải cao sẽ kéo dài và tác động kéo giá hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội được định vị ở mức cao tương ứng. Nhiên liệu tăng giá đang trở thành nền tảng then chốt kiến tạo mặt bằng giá mới với mọi loại chi phí, hàng hóa trong xã hội theo cách ấy.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM cho biết, giá xăng dầu tăng cao gây áp lực lớn đến các DN taxi. Hiện tại, các DN đang “gồng mình” để ứng phó, tuy nhiên nếu Chính phủ không điều chỉnh để kéo giảm giá xăng dầu trong thời gian tới thì buộc các doanh nghiệp taxi phải tăng giá cước. Khi đó, người tiêu dùng sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất.
Ông Đỗ Phú Đạt, Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, đến nay đã có 20 nhà xe đề xuất tăng giá vé, tỉ lệ tăng trung bình 26%. Theo ông Đạt, trong hoạt động vận tải hành khách thì giá xăng dầu chiếm khoảng 20-30% cơ cấu giá vé. Từ đầu năm 2022 đến nay, xăng dầu liên tục tăng khoảng 6%, trong khi đó, lượng hành khách giảm khoảng 40%-50% so với cùng thời điểm các năm trước dẫn đến nhiều khó khăn cho DN nên buộc phải điều chỉnh giá vé.
Tương tự, nhiều DN tại bến xe Miền Tây (quận Bình Tân, TPHCM) cũng đã gửi kê khai điều chỉnh tăng giá vé đến cơ quan chức năng. Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc bến xe Miền Tây cho hay, sau khi các DN kê khai điều chỉnh giá vé, đơn vị sẽ gửi đến Sở Giao thông vận tải các tỉnh thành, khi được chấp nhận thì nhà xe mới được tăng giá và niêm yết ở các quầy bán vé.
Trên cơ sở tờ trình của Bộ Tài chính, chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/4/2022) đến hết ngày 31/12/2022 là: Xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít. Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu tiêu dùng của người dân; trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cần có giải pháp điều hành để ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Đánh giá về giải pháp này, nhiều DN cho rằng đây là động thái tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước để trợ giúp các DN. Tuy nhiên, nếu tình hình giá dầu tiếp tục tăng, cần mức giảm thuế môi trường mạnh hơn qua đó giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.