Về đầu trang

Giá xăng tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 năm

Posted by admin

Từ 16h chiều 26/10, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 1.200 đồng/lít lên 22.880 đồng/lít, cao nhất kể từ tháng 9/2014. Trong khi đó, xăng RON 95 tăng thêm 1.300 đồng/lít.

Chiều 26/10, liên Bộ Tài chính – Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần.

Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 1.300 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 1.200 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.880 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.170 đồng/lít.

Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần tăng thứ tư liên tiếp. Giá xăng trong nước hiện ở mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 2.760 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và kém 1.970 đồng đối với xăng RON 95 (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).

Tính từ ngày 11/11/2020, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 17 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 8.995 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 9.469 đồng/lít.

Ngoài ra, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng khá mạnh. Sau khi điều chỉnh, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 18.640 đồng/lít.

Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính – Công Thương trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng RON 95 ở mức 150 đồng/lít, với dầu diesel 200 đồng/kg.

Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.050 đồng/lít, với dầu diesel là 300 đồng/lít.

“Nếu không thực hiện tăng chi quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 và không chi quỹ bình ổn giá đối với xăng RON 95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít”, liên Bộ cho biết.

Việc giá các mặt hàng nhiên liệu liên tục lập đỉnh do lo lắng về tình trạng thiếu than và khí đốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, phải chuyển sang dùng dầu. Đồng thời, một số nước thành viên OPEC+ không thể thực hiện nâng mưc sản lượng như đã thỏa thuận.

Trong nước, giá xăng dầu tăng vọt đang tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế, đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Về giải pháp, PGS TS Ngô Trí Long nói với Zing bên cạnh việc sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ là quỹ bình ổn giá, Nhà nước cần cân nhắc, xem xét giảm thuế và phí trong cơ cấu giá xăng dầu để làm giảm giá mặt hàng thiết yếu này. Qua đó, giảm bớt phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, nên sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả mặt hàng xăng dầu, đồng thời, có thể tính toán tìm mặt hàng thay thế nguồn năng lượng này.

Trả lời