Giải cứu ngành chăn nuôi lợn: Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký công văn hỏa tốc đề nghị chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện, huy động các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất chế biến thịt lợn thành các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt; tăng cường quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, theo tin tức trên báo Thanh niên.
Đối với đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi , chính quyền các địa phương phải có khuyến cáo, tuyên truyền để rà soát sản xuất, điều chỉnh giá bán phù hợp trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi vượt qua khó khăn.
Thịt heo xuống giá thê thảm
Về giải pháp lâu dài, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp , hiệp hội và hợp tác xã kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi; có rà soát, thống kê quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ môi trường gắn với an toàn thực phẩm.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết vừa qua đoàn cấp cao hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã ngồi lại đàm phán, xúc tiến việc xuất khẩu heo qua đường chính ngạch.
Cũng trong chiều 27/4, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn tiếp tục tìm các giải pháp cấp bách và lâu dài để tháo gỡ câu chuyện đầu ra và giải bài toán lợn hơi rớt giá, báo Infonet đưa tin.
Về một số giải pháp trước mắt, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ;
Tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp và các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường.
Chỉ đạo các Sở Công Thương kêu gọi các Doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý.
Đồng thời, chỉ đạo hoạt động sản xuất chăn nuôi phải gắn với thị trường tiêu thụ; tăng cường gắn kết thông qua hợp đồng giữa sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, phân phối.