Mải mê giải cứu lợn, gà vịt, trứng ‘doạ’ ‘khủng hoảng’
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, nhịp độ tăng trưởng đều của gia cầm khoảng 3,8% so với sức tiêu thụ của trên 90 triệu dân thì khủng hoảng đối với gia cầm cũng không đáng ngại.
Vì sao giá gà, trứng giảm?
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi, ước tính tổng số gia cầm của cả nước hiện tại tăng khoảng 3,1%, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Nếu như hồi tháng 3, giá gà trắng ở miền Nam dao động từ 28.000 – 33.000 đ/kg thì sang tháng 4 đột ngột giảm mạnh còn 24.000 đ/kg. Trong 2 tuần đầu tháng 5/2017, tại miền Nam giá gà thịt công nghiệp lông trắng chỉ từ 23.000-25.000 đồng/kg, giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp dao động quanh mức 30.000-31.000 đồng/kg; tại miền Bắc giá gà công nghiệp lông trắng bình quân là 24.300 đồng/kg còn giá gà lông màu nuôi thả vườn bình quân là 61.000 đồng/kg.
Còn đối với trứng gà, xu hướng giảm giá đang diễn ra ở cả miền Bắc và miền Nam. Tại miền Bắc, giá trứng trong tháng 3/2017 là 18.500-19.500 đồng/1 chục, đến tháng 5 giảm còn 17.000 đồng/1 chục. Tại miền Nam giá trứng gà sụt giảm sâu còn 12.500-13.000 đồng/1 chục.
Cục Chăn nuôi cho biết, trong khi các cấp ngành, địa phương tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên thị trường thì việc giá thịt lợn hơi giảm đồng thời sản phẩm gia cầm tiêu thụ chững lại làm cho một số nơi, nhất là các tỉnh khu vực phía Bắc có một lượng không nhỏ trứng gia cầm bị ứ đọng, chậm được tiêu thụ, người dân khó tìm đầu ra… khiến giá trứng gia cầm giảm xuống, hiện nay trứng vịt có nơi chỉ còn 13.000-15.000 đồng/1 chục (trong khi giá từ 18.000-20.000 đồng/1 chục thì mới không bị lỗ).
Mặt khác, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thời điểm vào hè, thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ thịt có xu hướng giảm nên việc giá gà giảm cũng là điều dễ hiểu. Trong những tháng mùa hè, người tiêu dùng có xu hướng ăn nhiều hải sản, rau củ quả và các đồ mát khác thay thế một phần thịt gia súc, gia cầm.
“Lúc này đang chỉ là mới tháng 5, giá gà có thể sẽ tiếp tục giảm trong một vài tháng tới. Khi tiết trời bước sang mùa thu, mùa đông giá gà, trứng sẽ bắt đầu tăng trở lại”, ông Dương cho hay.
Không lo khủng hoảng thừa
Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho rằng, heo, trứng, gà cũng như những mặt hàng dưa hấu, chuối, nếu sản xuất tự phát, theo phong trào sẽ dẫn tới khủng hoảng thừa.
Tuy nhiên hiện nay, chăn nuôi gia cầm vẫn ổn định. Hiện giá gà lông trắng ở mức 25.000- 27.000 đồng, giá gà lông màu khoảng 28.000- 30.000 đồng/kg, còn giá trứng khoảng 13.000 đồng/1 chục. Một số thông tin nói giá trứng chỉ 900- 1.000 đồng/quả có thể là do trứng cũ.
“Điều quan trọng hiện nay là phải giảm giá thành chăn nuôi xuống và kiểm soát chặt chẽ thịt nhập khẩu về nguồn gốc, chất lượng, tránh để tình trạng mỗi cân thịt gà nhập khẩu về chỉ có giá 0,3 USD. Có như thế mới bảo vệ được người tiêu dùng và chăn nuôi trong nước”, ông nói.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cũng cho biết, tổng đàn gà đẻ trứng trên địa bàn tỉnh khoảng 3.536.000 con. Đàn gia cầm phát triển tương đối ổn định, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016. Hiện tại, giá gà lông màu từ 31.000- 33.000 đồng; gà lông trắng giá từ 23.000 -26.000 đồng. Giá trứng gà công nghiệp: 1.450 đồng/trứng. Trứng gà ta từ 2.400 đồng đến 2.500 đồng/trứng.
“Từ đó cho thấy tổng đàn, giá gà thịt, giá trứng gà trên địa bàn tương đối ổn định không có sự biến động nào lớn. Vì vậy hiện tại chưa xảy ra hiện tượng thừa cung trên địa bàn”, ông Quang cho hay.
Trước tình trạng giá gà, trứng giảm, nhiều lo ngại có khủng hoảng về giá và lượng như thịt lợn vừa xảy ra? Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, khác với lợn, chi phí nuôi gà thấp hơn, vòng đời ngắn, sản xuất nhanh, gà có trọng lượng nhỏ, nếu thừa thì dễ dàng bảo quản hơn so với lợn.
“Nếu gà dư thừa, chỉ cần ngừng hoặc giảm cường độ ấp nở trứng phù hợp là có thể điều chỉnh được ngay”, ông Dương cho biết.
Còn Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho hay: “Cả nước có khoảng 360 triệu con, nhịp độ tăng trưởng đều khoảng 3,8%. So với sức tiêu thụ của trên 90 triệu dân, tôi cho rằng khủng hoảng đối với gia cầm cũng không đáng ngại. Tới đây khi chúng ta mở cửa xuất khẩu gà sang Nhật Bản thì sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên. Các sản phẩm khác như sữa vẫn đang rất thiếu, không sợ khủng hoảng”.