Về đầu trang

Ngành TACN Việt Nam: Tăng trưởng đứng đầu khối ASEAN

Posted by admin

Bất chấp những khó khăn trong ngành chăn nuôi năm 2021, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) tại Việt Nam vẫn tự tin tăng trưởng 5,4%. Đứng top 1 các nước khối ASEAN, đứng thứ 10 trên thế giới về công nghệ sản xuất TACN, đây được coi là một bước tiến dài…

Việt Nam là thị trường tiềm năng của các nhà xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu

Vượt qua khó khăn, giữ vững tăng trưởng 5,4%

Trong năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đạt được những bước tiến ngoạn mục. Năm 2021, ước tính tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước đạt 21,4 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2020, trong đó thức ăn cho lợn đạt khoảng 10,88 triệu tấn, tăng 22%; thức ăn cho gia cầm đạt khoảng 9,75 triệu tấn, giảm 8,7%; thức ăn cho vật nuôi khác khoảng 0,76 triệu tấn, tăng 7,3%.

Theo nhận định của TS. Ninh Thị Len, Trưởng phòng TACN, Cục Chăn nuôi, trước năm 2019, TACN cho lợn luôn chiếm tỷ trọng cao hơn so với TACN gia cầm. Đến năm 2020, do ảnh hưởng của các đợt bùng phát Dịch tả lợn châu Phi, lần đầu tiên tỷ trọng ta cho lợn đạt 43,9%, thấp hơn so với tỷ trọng thức ăn cho gia cầm (53,6%). Đến năm 2021, nhờ có sự tái đàn mạnh mẽ, tỷ lệ chăn nuôi lợn tăng trưởng phục hồi giúp cho tỷ trọng sản xuất TACN lợn đã cân bằng trở lại, đạt 50,8%, tỷ trọng sản xuất TACN gia cầm đạt 46%.

So sánh về tỷ lệ tăng trưởng năm 2021 so với năm 2020, tổng sản lượng thức ăn cho lợn tăng 22%, ngược lại, thức ăn cho gia cầm giảm 8,9% và các đối tượng vật nuôi khác như gia súc, động vật cảnh, tăng trưởng 10,2%.

Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 3 ba xu hướng nổi bật của ngành TACN trong năm 2022, đó là: Đa dạng hóa sản phẩm; Tăng cường sử dụng công nghệ sinh học; Đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa trong sản xuất và quản lý.

Xuất khẩu TACN và nguyên liệu đã lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD

Theo Cục Chăn nuôi, một điểm nhấn của ngành chăn nuôi năm nay là xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đã lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD khi đạt 1,049 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 75,6% so với năm 2020. Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Campuchia tăng 22,7%; chiếm 14,1% và đứng thứ 2 về kim ngạch. Xuất khẩu thức ăn gia súc tăng mạnh ở nhiều thị trường: sang Philippines tăng 165,3%, sang Thái Lan cũng tăng mạnh 78,2%.

Trăn trở về sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Tại Việt Nam chi phí thức ăn chiếm khoảng từ 80-85% giá thành chăn nuôi, trong khi nguồn cung thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc phần lớn từ nhập khẩu, lên đến 70-80% với các mặt hàng ngô, lúa mì, đậu tương. Tuy chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng trong năm 2021 kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TACN chính của Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng và đã đạt khoảng 7,9 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Mỗi một năm Việt Nam cần 32-33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi các loại, trong đó có hơn 7 triệu tấn do bà con nông dân tự sử dụng nguyên liệu phối trộn theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp; còn lại sản lượng 26 triệu tấn (bao gồm cả thức ăn chăn nuôi và thủy sản) là do các doanh nghiệp sản xuất.

Số lượng giá trị nhập khẩu nguyên liệu TACN chính trong 3 năm trở lại đây cho thấy trung bình 1 năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 20 triệu tấn nguyên liệu các loại dùng trong sản xuất TACN. Tính riêng năm 2021, nước ta nhập khẩu khẩu 21,5 triệu tấn. Các nguồn nguyên liệu có nguồn gốc từ nông sản chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất, trong đó, đứng đầu là ngô, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu gần 10 triệu tấn ngô, trị giá khoảng 2 tỷ USD. Tiếp đến là khô dầu các loại, nhập khẩu trên 2 triệu tấn/năm.

Bảng 1: Số lượng và giá trị nhập khẩu nguyên liệu chính trong sản xuất TACN Việt Nam qua các năm (1.000 tấn và tỷ USD)

TT Nguyên liệu 2019 2020 2021
SL Giá trị SL Giá trị SL Giá trị
1 Ngô 9.696 1,95 9.921 1,94 9.692 2,66
2 Khô dầu các loại 5.189 1,87 4.682 1,60 5.632 2,56
3 Lúa mỳ 1.864 0.45 665 0,16 1.703 0,47
4 DDGS 1.046 0,25 1.091 0,26 1.339 0,42
5 Cám các loại 788 0,14 672 0,12 896 0,18
6 Đạm động vật 870 0,45 1.335 0,75 11,1* 0,01*
7 TABS 583 0,79 650 0,88 589 0,92
Tổng số 20.44 6,02 20.18 6.06 21,46 7,9

*Số liệu chưa được cập nhật đầy đủ

Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta có sản lượng lúa lớn mà không sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi lại phải đi nhập khẩu? Tại sao Việt Nam không trồng ngô trong nước lại phải đi nhập khẩu? Hàng năm chúng ta xuất khẩu một số lượng lớn thuỷ sản như cá tra, tôm, thừa rất nhiều phụ phẩm đầu tôm, cá tra. Tại sao chúng ta không sử dụng những phụ phẩm ấy để chế biến thức ăn chăn nuôi?….

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, đây là bài toán kinh tế, khi 1kg ngô chỉ khoảng 7.000-8.000/kg còn 1kg gạo cũng đã 12.000-13.000 đồng/kg. Trong khi diện tích đất của chúng ta phần lớn là trồng lúa và phù hợp với trồng lúa. Còn thông tin tại sao xuất khẩu rồi lại nhập về thì đây là câu chuyện cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tùy theo tính toán về kinh tế mà họ có động thái phù hợp với mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vấn đề này chúng ta không can thiệp được và cũng không nên can thiệp. “Hiện bà con đã chuyển 1 phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, theo mục tiêu sẽ có 500.000ha đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng ngô sinh khối để có thể chủ động hơn trong nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi”, ông Tống Xuân Chinh cho biết.

“Cả nước hiện có khoảng 1, 5 triệu tấn phụ phẩm từ thủy sản, tuy nhiên nguồn phụ phẩm này chủ yếu được dùng trong sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, sử dụng cho người. Bởi vậy, nguồn phụ phẩm từ thủy sản phục vụ cho sản xuất TACN cũng phần nào bị hạn chế”, TS. Ninh Thị Len cho biết thêm.

Mặc dù năm 2021 gặp không ít khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp tỏ ra lạc quan và cho rằng, cách điều hành phù hợp của Chính phủ là sống chung với Covid sẽ giúp các nhà hàng, bếp ăn, các nhà máy sản xuất hoạt động trở lại, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng lên, và ngành thức ăn chăn nuôi năm 2022 cũng có triển vọng tốt hơn.

Từ 30/12, giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi sau đà tăng giá kỷ lục

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng chóng mặt, với mức tăng từ 35-40% gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của người chăn nuôi. Tại Việt Nam, thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất, nhưng nguồn cung lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, lên đến 70-80% nhất là các mặt hàng ngô, lúa mì, đỗ tương.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 và Nghị định số 57 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%, bắt đầu từ ngày 30/12/2021.

Trả lời