Người nuôi heo ‘chết’ đại lý, TĂCN cũng ngắc ngoải
Khi giá heo giảm sâu, người nuôi từ trang trại đến hộ nhỏ lẻ thua lỗ te tua thì các đại lý thức ăn cũng “chết chùm” vì phần lớn bán thức ăn cho người nuôi là trả chậm từ 6 tháng đến 1 năm.
Tỉnh Đồng Nai nổi tiếng là “vương quốc” heo với tổng đàn hiện đến khoảng 2 triệu con, kéo theo đó là hàng ngàn cửa hàng mua bán thức ăn chăn nuôi mọc ra như nấm sau mưa, nhất là thời kỳ giá heo hoàng kim trên dưới 50 ngàn đồng/kg vào những năm 2014-2015.
Tuy nhiên, khi giá heo giảm sâu, người nuôi từ trang trại đến hộ nhỏ lẻ thua lỗ te tua thì các đại lý thức ăn cũng “chết chùm” vì phần lớn bán thức ăn cho người nuôi là trả chậm từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, để trở thành đại lý cho các Cty sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi đại lý phải có ít nhất 2 tỷ đồng vốn lưu động.
Nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi trước đây hoàng kim nay ngắc ngoải do giá heo xuống đáy.
Trao đổi với PV NNVN, bà Lê Thị Vân, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi đóng trên địa bàn xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, bà mở đại lý bán hàng cho Cty CP Dinh dưỡng Nông nghiệp quốc tế (Anco) từ quí 1/2015, đây là thời điểm giá heo đứng mức khá cao từ 48-51 ngàn đồng/kg.
Từ đó đến nay, 1 tháng đại lý bà Vân bán 500 tấn, vị chi 1 năm là 6.000 tấn. Bán 1 kg bình quân 10.000 đồng, tức doanh số hàng năm 6 tỷ đồng. Với mức chiết khấu hoa hồng 7% (chiết khấu tháng, quí, năm) thì mỗi năm bà Vân thu lợi nhuận 420 triệu đồng. Do đại lý bán công nợ, nên những lúc giá heo cao, người nuôi thanh toán nhanh chóng dễ dàng “không chút suy nghĩ”.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, doanh số bán hàng của bà Vân còn mắc kẹt trong các hộ chăn nuôi và trang trại chưa thể thu hồi lên gần 4 tỷ đồng. Đây là số vốn lưu động khá lớn đối với đại lý quy mô bậc trung khiến đại lý này đứng trước nguy cơ đóng cửa.
“100% người nuôi thua lỗ nên việc trả tiền thức ăn cho chúng tôi cũng đứng luôn. Bây giờ người ta bán heo, mỗi con lỗ hơn triệu đồng thì lấy tiền đâu mà trả tiền thức ăn. Mình yêu cầu trả nợ nhưng người ta không có. Hơn 3 tháng qua, đại lý tôi ngắc ngoải vì không thu hồi được tiền bán thức ăn”, bà Vân than thở.
Không chỉ bà Vân mà đại lý Trung Hưng ở xã Giang Điền, huyện Trảng Bom cũng lâm vào hoàn cảnh cụt vốn.
Ông Nguyễn Hưng, chủ đại lý Trung Hưng cho biết, cuối năm 2014, ông mở đại lý chủ yếu bán cho các hộ chăn nuôi trong khu vực với phương thức trả chậm. Hai năm đầu, mua bán thuận lợi, thu nợ dễ dàng. Thế nhưng, từ quí 4/2016 là bắt đầu khó dần và hiện nay xem như không thu nợ được do các hộ chăn nuôi hầu hết “úp máng”.
“Trong khi mình bán hàng trả chậm gối đầu cho người chăn nuôi, nhưng khi nhập (mua) hàng của các Cty, có thời điểm phải vay ngân hàng tiền tỷ trở lên để trả cho họ, không thiếu một xu”, ông Hưng nói.
Chính áp lực trả lãi ngân hàng gay gắt khiến việc kinh doanh của đại lý Trung Hưng đang rơi vào cảnh mua bán cầm chừng. Theo ông Hưng, hiện ông chỉ bán thức ăn cho những hộ chăn nuôi có tiền trả ngay, còn những hộ mua nợ ông nhất quyết từ chối, bởi đã không còn đủ vốn lưu động để nhập hàng. “Nếu kéo dài như thế này thì việc các đại lý vừa và nhỏ không chỉ tiến thoái lưỡng nan mà có nguy cơ phá sản. Bởi vì, tiền bán cám mình chưa thể thu hồi nhưng lãi vay ngân hàng và vay nóng (lãi suất 2-2,5%/tháng) vẫn phải trả đúng hẹn”, ông Hưng chia sẻ thêm.
NHẬT VY