Về đầu trang

Phải mạnh dạn cấu trúc lại toàn bộ chăn nuôi lợn

Posted by admin

Sự sụp đổ của chăn nuôi heo một lần nữa cho thấy, việc trông đợi vào tín hiệu thị trường Trung Quốc là điều vô cùng rủi ro.

Là người tâm huyết và gắn bó lâu năm với chăn nuôi lợn, ông Chung Kim, GĐ Công ty TNHH Chăn nuôi và Chế biến thức ăn gia súc Kim Long (Bến Cát, Bình Dương) cho rằng: Ngay từ lúc này, ngành nông nghiệp cần phải mạnh dạn cấu trúc lại toàn bộ chăn nuôi lợn, trong đó nòng cốt phải tổ chức được một hiệp hội đúng nghĩa.

Cái chết đã được báo trước

Trước 2008, heo chỉ là đối tượng vật nuôi chẳng mấy ai để ý, bởi giá rất rẻ. Mặc dù có phát triển tăng đàn, nhưng tốc độ tăng trưởng giai đoạn đó chỉ ở mức bình thường.

Tuy nhiên tới năm 2010, có một sự đột biến lớn, đem lại lợi nhuận vượt trội cho người nuôi heo, đó là việc XK tiểu ngạch đi thị trường Trung Quốc bắt đầu mở ra. Giá heo ở phía Bắc từ chỗ chỉ xoay quanh 30 nghìn đồng/kg, đột ngột tăng vọt lên có lúc sắp cán mốc 60 nghìn đồng/kg. Phải thẳng thắn nhìn nhận, việc giá heo giai đoạn sau 2010 phất lên chính là nhờ thị trường Trung Quốc.

Lợn XK sang Trung Quốc thời điểm đó có ngày lên tới 200-300 xe. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian lên cơn sốt, chăn nuôi lợn Việt Nam vấp ngay một tai nạn: TQ bất ngờ đóng cửa, không NK lợn từ Việt Nam nữa! Giá lợn hơi từ 60 nghìn đồng/kg đột ngột lao dốc về mức chỉ còn 30 nghìn đồng/kg.

Từ sau cú sốc năm 2010, trên thực tế thì lợn Việt Nam vẫn rỉ rả qua đường tiểu ngạch đi Trung Quốc. Đặc biệt tại phía Bắc, do thuận lợi hơn để XK sang Trung Quốc nên giá heo luôn ở mức cao, tới năm 2015-2016 có lúc đã lại tăng vọt lên tới 55-57 nghìn đồng/kg. Trong khi đó tại phía Nam, thực tế giá heo dù cao cũng chỉ xoay quanh 40 nghìn đồng/kg.

Trong bối cảnh heo vẫn rỉ rả XK được sang Trung Quốc, người chăn nuôi vẫn cứ kỳ vọng rằng giá heo sẽ vẫn được duy trì ở mức cao, và làn sóng mở rộng, tăng đàn trong 2 năm 2015-2016 đã diễn ra khủng khiếp. Tới cuối năm 2016, việc XK sang Trung Quốc lại đột nhiên bị khựng lại. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất khiến thị trường thịt heo trong nước chao đảo, thê thảm trong thời gian qua.

Sự sụp đổ của chăn nuôi heo một lần nữa cho thấy, việc trông đợi vào tín hiệu thị trường Trung Quốc là điều vô cùng rủi ro. Tới đây, Bộ NN-PTNT cần phải có một đơn vị đủ mạnh trong việc nắm bắt tình hình thị trường thịt heo thế giới nói chung, đặc biệt là thị trường Trung Quốc để đưa ra những khuyến cáo kịp thời hơn nữa.  

Phải tổ chức Hiệp hội chăn nuôi heo đủ mạnh

Nếu như các ngành hàng lớn về nông sản của Việt Nam hiện nay như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản… đều đã có hiệp hội hoạt động rất bài bản thì chăn nuôi là một ngành SX lớn lại đang hết sức vô phèng, thiếu tổ chức, mạnh ai nấy làm, mỗi người làm một kiểu. Đây là nút thắt cơ bản mà trong thời gian tới, ngành nông nghiệp phải mạnh dạn cấu trúc lại hoàn toàn ngành chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi lợn theo hướng lấy vai trò của hiệp hội lên hàng đầu.

Ở tất cả các nước có chăn nuôi lợn phát triển, từ Mỹ, Hà Lan, Đức… cho tới Nhật Bản cũng vậy, dù quy mô chăn nuôi lớn nhỏ thế nào, họ cũng đều phải hoạt động theo mô hình hiệp hội. Theo đó, chính phủ giao cho hiệp hội những thẩm quyền nhất định. Ví dụ các trang trại chăn nuôi phải bắt buộc là thành viên của hiệp hội. Hiệp hội tham gia vào tất cả các vấn đề của SX, từ giám sát chất lượng thức ăn, thuốc thú y, con giống, tổ chức giết mổ, kiểm soát vệ sinh ATTP cho tới tiêu thụ ra thị trường…

Muốn đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở chăn nuôi sẽ buộc phải là thành viên của hiệp hội, phải có chữ ký của hiệp hội. Hiệp hội cũng nắm toàn bộ cân đối cung – cầu, đưa ra dự báo để quyết định quy mô tổng đàn cho từng thời kỳ để giao cho các thành viên. Vì vậy, gần như không có chuyện mất cân đối cung cầu nghiêm trọng như tình hình tại Việt Nam thời gian qua.

Các mô hình hoạt động của hiệp hội chăn nuôi ở các nước bản chất không phải là liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài, mà là đối tác để thay mặt các hộ chăn nuôi đứng ra đàm phán với các DN trong chuỗi, ví dụ như DN sản xuất TĂCN hay thuốc thú y, các DN giết mổ chế biến… Điều này tránh được tình trạng các DN cung ứng vật tư hay tiêu thụ, giết mổ, chế biến sản phẩm ép giá, giảm được chi phí đầu vào trong SX… 

Theo đó, khác với việc khi giá heo xuống thấp, chúng ta phải nhờ Chính phủ đứng ra kêu gọi các DN sản xuất TĂCN giảm giá như thời gian qua. Nhờ có hiệp hội, cơ quan quản lí nhà nước của họ rất nhàn nhã, dễ dàng nắm được tổng đàn và đưa ra được định hướng chiến lược về thị trường, chứ không phải vất vả ôm quá nhiều việc như Việt Nam hiện nay.

Để ổn định SX, mỗi con lợn khi xuất chuồng đều phải trích lại một phần kinh phí cho hiệp hội quản lí, giống như là quỹ bình ổn thị trường. Ví dụ tại Mỹ, mỗi con heo xuất chuồng sẽ phải trích lại cho Hiệp hội chăn nuôi heo Hoa Kỳ 8 cent để làm quỹ bình ổn, hiện quỹ này của họ lên tới trên 30 triệu USD để tái đầu tư bền vững cho SX…

Hiện nay, mô hình hoạt động của Hiệp hội Chăn nuôi heo Đồng Nai chính là một mô hình rất tốt. Tuy nhiên mỗi hiệp hội của Đồng Nai không thể chi phối được thị trường. Vì vậy trên phạm vi cả nước, sẽ phải lập ra các chi hội ở các tỉnh, rồi tới hiệp hội ở trung ương một cách bài bản mới có thể giải quyết được lâu dài của vấn để.

“Nhu cầu NK thịt lợn thế giới rất lớn, ngay Trung Quốc cũng đang NK thịt lợn thường xuyên từ Brazil, các nước như Nga, Hàn Quốc… cũng đều đang phải NK thịt lợn từ EU. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hướng tới khả năng XK.

Song muốn XK được thì trước hết phải có hiệp hội. Bởi chỉ có hiệp hội mới tổ chức được SX mặt hàng đồng đều, tổ chức điều hành được sản lượng đủ lớn theo yêu cầu của các nhà NK.

Thời gian qua, một số DN Trung Quốc họ sang đặt vấn đề thu mua mỗi ngày 2.000 con lợn với giá 30 nghìn đồng/kg, nhưng chúng ta không tìm đâu ra nguồn hàng ổn định cũng như dây chuyền giết mổ để đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ các yếu tố cần thiết để khi khách hàng có nhu cầu là đáp ứng được ngay. Muốn vậy, chỉ có hiệp hội mới có thể tổ chức được hệ thống của mình.”

(Ông Chung Kim)

LÊ BỀN

Trả lời