Rabobank: Thị trường thịt lợn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong năm 2022
Theo nhận định của các chuyên gia từ Rabobank, năm 2022, Covid-19 tiếp tục là “cơn sóng” lớn nhất cho chuỗi cung ứng thịt lợn toàn cầu – cả về sản xuất và nhu cầu đều dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự gián đoạn nào.
Đại dịch đã dẫn đến nhiều thay đổi trong quản lý chuỗi cung ứng và mô hình tiêu thụ, điều này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2022.
Trong khi đó, một điều chắc chắn là chi phí đầu vào tiếp tục tăng – giá vận chuyển, giá năng lượng và giá ngũ cốc, cùng với giá nhân công, đang thách thức chuỗi cung ứng thịt lợn. Trong một nền kinh tế đang phát triển chậm lại, các nhà sản xuất và chế biến gặp khó khăn trong việc chuyển tất cả các chi phí bổ sung cho người tiêu dùng, do đó tỷ suất lợi nhuận sẽ bị áp lực.
Xuất nhập khẩu thịt lợn toàn cầu có thể sẽ giảm so với mức năm 2021, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm khi sản xuất trong nước phục hồi. Mặc dù các nước nhập khẩu truyền thống – chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc, cộng với một số nước nhập khẩu mới – có khả năng sẽ tăng nhập khẩu, nhưng các nhà xuất khẩu lớn sẽ cần tìm sự cân bằng mới giữa cung và cầu.
Cụ thể, các chuyên gia Rabobank đưa ra dự báo nhận định:
Trung Quốc: Nhu cầu yếu gây áp lực giảm giá thịt lợn. Sản lượng thịt lợn sẽ phát triển nhờ chất lượng lợn nái được cải thiện.
Châu Âu: Nguồn cung dư thừa ở Châu Âu duy trì áp lực giảm giá. ASF lan rộng đến miền bắc nước Ý, có khả năng làm phức tạp thương mại.
Mỹ: Nguồn cung heo hơi giảm trong 6 tháng đầu năm sẽ hỗ trợ giá và bù đắp chi phí gia tăng. Covid làm gián đoạn quá trình giết mổ và phân phối, đe dọa nhu cầu.
Brazil: Thời tiết khô hạn làm tăng giá thức ăn chăn nuôi trở lại. Năm 2022 dự kiến sẽ mang lại nhiều biến động cho thị trường heo hơi.
Đông Nam Á: Cả dịch Covid và ASF đều ảnh hưởng đến thị trường thịt lợn Đông Nam Á. Sản xuất thịt lợn ở Việt Nam và Philippines sẽ tăng trưởng, mặc dù chậm.
Nhật Bản: Nhu cầu đang suy yếu do Covid tiếp tục lan rộng. Nhập khẩu thịt lợn rất mạnh, vì giá thịt bò đắt hơn.