Thiếu thông tin thương mại toàn cầu, doanh nghiệp đang đối mặt rủi ro
Thiếu thông tin thương mại toàn cầu, doanh nghiệp đang đối mặt rủi ro
Tăng trưởng thương mại toàn cầu đã khởi sắc trở lại vào năm ngoái với sản lượng thương mại hàng hóa tăng nhanh hơn 1,4 lần so với GDP toàn cầu nhờ vào kinh tế thế giới khởi sắc, giá tiêu dùng tăng, và USD suy yếu.
Rủi ro khi thiếu thông tin chính sách thương mại toàn cầu
Báo cáo toàn diện về triển vọng kinh doanh và thương mại toàn cầu HSBC Navigator 2018 với tiêu đề “Dịch vụ tăng trưởng mạnh và ranh giới mờ dần giữa sản phẩm hàng hóa và dịch vụ” vừa được công bố cho biết, các doanh nghiệp đang có khả năng bỏ lỡ các cơ hội quan trọng sẵn có tại các thị trường xa hơn ngoài các thị trường láng giềng. Bởi họ chỉ tập trung vào các chính sách thương mại ở phạm vi khu vực và thiếu thông tin về môi trường chính sách thương mại toàn cầu.
Phần lớn các doanh nghiệp dường như bỏ qua hoặc đánh giá thấp tác động của một số chính sách quan trọng có thể ảnh hưởng lên hoạt động của họ, đặc biệt khi các chính sách này thuộc các thị trường ở xa khu vực của mình.
Lấy ví dụ, phần lớn doanh nghiệp tại châu Âu cho rằng môi trường chính sách tại Mỹ hay sáng kiến Con đường Vành đai của Trung Quốc không ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, chỉ 31% cho rằng môi trường chính sách tại châu Âu có ảnh hưởng tích cực lên doanh nghiệp của họ trong khi 66% cho rằng không ảnh hưởng, 31% cho rằng môi trường chính sách tại Mỹ có ảnh hưởng tích cực và 60% cho rằng không liên quan trong khi châu Âu và Mỹ là hai thị trường quan trọng đối với các nhà xuất khẩu tại Việt Nam. Tương tự, 74% doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng NAFTA không ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của họ.
“Việc các doanh nghiệp thiếu thông tin về các hiệp định và các chính sách thương mại đặt họ vào nhiều rủi ro bỏ lỡ các cơ hội phát triển đáng kể ở phạm vi quốc tế.”, báo cáo của HSBC chỉ rõ.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, xem việc mở rộng ra thị trường mới là cách quan trọng để tăng trưởng kinh doanh, nhiều trong số họ có thể cuối cùng đánh mất lợi thế cạnh tranh nếu họ không nhận ra các chính sách thương mại đang thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào, và cơ hội dành cho họ nằm ở đâu trong những năm tới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiểu rõ tác động tích cực của các chính sách ở các thị trường và khu vực gần hơn. Con đường và Vành đai của Trung Quốc, ASEAN 2025 là hai chính sách nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp với tỉ lệ 59% và 56% tương ứng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. 74% doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng ASEAN 2025 có tác động tích cực lên doanh nghiệp của họ và chỉ 26% cho rằng không có ảnh hưởng. 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng CPTPP liên quan đến doanh nghiệp của mình và 63% doanh nghiệp Việt Nam cho biết CPTPP có ảnh hưởng tích cực đối với doanh nghiệp của họ trong khi 35% cho rằng không ảnh hưởng.
Có lẽ điều ngạc nhiên là, các doanh nghiệp châu Âu không quan tâm về các rủi ro liên quan đến Brexit: 62% doanh nghiệp kỳ vọng không ảnh hưởng hoặc có ảnh hưởng tích cực lên doanh nghiệp của họ.Trên toàn cầu, 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát có cùng quan điểm tích cực đối với kết quả của Brexit.
Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp thời gian tới
Các doanh nghiệp tại châu Á Thái Bình Dương thể hiện mức độ lạc quan cao nhất, với 82% doanh nghiệp được HSBC khảo sát cho rằng, sản lượng thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh. Trong đó, doanh nghiệp Bangladesh và Ấn Độ có sự lạc quan cao nhất. Tại Việt Nam, 90% các doanh nghiệp có cùng kỳ vọng này.
Cùng với dự báo về tăng trưởng thương mại, 62% doanh nghiệp trên thế giới kỳ vọng nhu cầu về tài trợ thương mại sẽ tăng và con số này cho doanh nghiệp tại Việt Nam là 88%. Trong khi đó, 86% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng khả năng tiếp cận nguồn vốn tài trợ thương mại sẽ tăng.
Tuy nhiên, 52% doanh nghiệp tại Việt Nam cho rằng chi phí giao dịch cao là thách thức chính trong việc đáp ứng nhu cầu tài trợ thương mại, và 44% doanh nghiệp cho rằng bất ổn tỷ giá là thách thức thứ hai. Nhờ ổn định chính trị, Việt Nam không nằm trong top 10 thị trường cho rằng môi trường chính trị là thách thức ba trong việc đáp ứng nhu cầu tài trợ thương mại.