Về đầu trang

Top 4 xu hướng của ngành TACN trong thời kỳ bình mới

Posted by admin

Chú trọng hơn việc sử dụng nguyên liệu, phụ gia thức ăn cho mục tiêu giảm khí thải và ứng phó biến đổi khí hiệu một cách bền vững

Ngành chăn nuôi cũng được coi là có tỷ trọng đáng kể trong lượng khí thải carbon. Nguyên liệu, phụ gia thức ăn chăn nuôi có thể đóng góp hiệu quả vào việc giảm phát thải khí mê-tan và khí thải carbon. Thông qua đánh giá tác động của vòng đời sản phẩm các nhà khoa học đã chứng minh rằng những thành phần này có thể hỗ trợ tích cực cho việc giảm thiểu tác hại của môi trường đối với hoạt động chăn nuôi theo những cách khác nhau. Dự án Tính bền vững phụ gia thức ăn chăn nuôi do Hiệp hội thương mại của Liên minh Châu Âu về ngành công nghiệp phụ gia thức ăn chăn nuôi (FEFANA) và Liên đoàn Thức ăn Chăn nuôi Quốc tế (IFIF) thực hiện, đã nghiên cứu những ảnh hưởng này đối với nhiều loại nguyên liệu thức ăn. Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sử dụng các thành phần như vậy có thể cắt giảm tới 15% khả năng nóng lên toàn cầu, phát thải phốt pho lên đến 30% và phát thải nitơ lên đến 50%. Điều này có nghĩa là giảm đáng kể các tác động liên quan đến phát thải đối với môi trường, chẳng hạn như giảm bài tiết các chất dinh dưỡng dư thừa, và axit hóa. Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất TACN sẽ chú trọng hơn việc sử dụng các thành phần nguyên liệu và phụ gia trong thức ăn để góp phần thực hiện mục tiêu giảm khí thải và ứng phó biến đổi khí hậu một cách bền vững theo Tuyên bố COP-26 gần đây của Chính phủ Việt Nam, đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon vào năm 2050.

Phân khúc gia cầm tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường, thủy sản phục hồi và tăng tốc

Thị trường thức ăn hỗn hợp Việt Nam được phân chia theo thành phần và loại động vật. Thức ăn gia cầm là thức ăn được tiêu thụ cao nhất trên cả nước do ngày càng có nhiều người tiêu dùng ưa chuộng thịt gà, chim cút, thịt vịt và trứng. Theo đánh giá của FAO, thịt gia cầm là yếu tố chính cho sự tăng trưởng của sản xuất thịt toàn cầu, do nhu cầu cao, chi phí sản xuất thấp và giá sản phẩm thấp hơn, cả trong các nước phát triển và đang phát triển. OECD đưa ra dự báo đối với thị trường gia cầm, sản lượng tiêu thụ trong 10 năm tới tại Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 2,9%/năm. Xu hướng tiêu thụ gia cầm trên thực tế vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới và nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ là khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11 – 12%/năm, trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất TACN

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, nhất là khi đại dịch Covid-19 lan rộng đã định hình rõ hơn xu hướng đầu tư và phát triển bền vững. Trong nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản đang được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Việt Nam hiện có tới 120 triệu tấn các loại phụ phẩm nông nghiệp, trong đó rơm chiếm tới 43 triệu tấn, là tiềm năng rất lớn có thể áp dụng công nghệ ủ chua, các chế phẩm vi sinh, phơi khô, hệ thống các sản phẩm và phụ phẩm từ ngành thủy sản rất lớn v.v để có thể làm TACN. Đây là nguồn nguyên liệu TACN rất quan trọng, nếu tận dụng tốt phế phụ phẩm tại chỗ sẽ mang lại hiệu quả rất tốt cho ngành chăn nuôi nói riêng và ngành Nông nghiệp nói chung.

Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đẩy mạnh dự án kinh tế tuần hoàn, sử dụng chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn trồng bắp, sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế, phụ phẩm nông nghiệp. Trong thời gian tới, việc chủ động sử dụng nguồn phụ phẩm ở trong nước sẽ được đẩy mạnh hơn nữa cùng với đó là sự tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cao để có thể phát triển được trong một số phụ phẩm.

Áp dụng công nghệ số trong ngành TACN

Những tiến bộ công nghệ đang được áp dụng vào sản xuất thức ăn chăn nuôi. Công nghệ số sẽ cho phép giải quyết hiệu quả hơn nhiều những thách thức to lớn đang phải đối mặt hiện nay và trong tương lai đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Blockchain là ứng dụng cho phép quản lý an toàn, với một lượng lớn dữ liệu đáng tin cậy về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thô, phương pháp sản xuất, bộ gen, chất dinh dưỡng. Việc tích hợp các dữ liệu sản xuất đó từ động vật, trang trại, lò giết mổ và ngành công nghiệp chế biến thịt sẽ cung cấp một cách tiếp cận tổng thể mới của chuỗi sản xuất, từ đó cho phép điều chỉnh nhiều hơn, điều chỉnh chính xác hơn khẩu phần ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của động vật, và thiết lập kế hoạch cho ăn không chỉ dựa trên mục tiêu sản xuất mà còn giải quyết các khía cạnh vệ sinh, chất lượng sản phẩm, sức khỏe và tính bền vững.

Trả lời