TP.Hồ Chí Minh “chặn” heo Đồng Nai?
Ngày 7-3, hàng chục thương lái và chủ trại chăn nuôi của Đồng Nai đã làm việc với Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai và đại diện Sở Công thương. Cả thương lái và người chăn nuôi đều kêu khó trước tình trạng heo bị tồn đọng trong việc nhập hàng về chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh do đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Người chăn nuôi và thương lái làm việc tại Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về những khó khăn khi triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Theo đề án, từ ngày 1-3 tất cả các lô heo chưa “đeo vòng” (vòng xác nhận có thể truy xuất nguồn gốc) đều bị chặn không cho nhập vào các chợ đầu mối. Hiện cả thương lái và người chăn nuôi đều rất lúng túng về việc thực hiện quy định mới này
Lo tồn đọng heo
Theo các thương lái của Đồng Nai chuyên cung cấp heo thịt về chợ đầu mối Tân Xuân (TP.Hồ Chí Minh), từ ngày 1-3 đến nay, các xe chở heo về chợ đầu mối nếu chưa được “đeo vòng” truy xuất nguồn gốc đều bị ngành chức năng thành phố chặn lại không cho vào chợ.
Để không phải chở hàng ngàn con heo về lại Đồng Nai, các thương lái đã phải bỏ chi phí 6 ngàn đồng mua 1 cặp vòng chân cho heo trước khi đưa vào chợ tiêu thụ.
Cả tuần qua, khu chợ đầu mối Tân Xuân nhốn nháo cả lên trước cảnh thương lái chen nhau mua vòng, đeo vòng cho heo.
Bà Đỗ Thị Tâm, thương lái chuyên cung cấp heo về chợ Tân Xuân, bức xúc: “Cả tuần nay, ngày nào thương lái chúng tôi cũng nơm nớp lo lắng vì không biết đàn heo mình đưa về TP.Hồ Chí Minh có vào lò được hay không”.
Bà Tâm còn cho biết thêm rằng, với quy định mới này, bà phải mất thêm 6 ngàn đồng để mua cặp vòng đeo chân cho heo và mỗi ngày phải tốn thêm một nhân công chuyên làm công việc đeo vòng vào chân heo.
Ngoài tốn kém chi phí, còn rất nhiều khó khăn, rắc rối khác vì bản thân thương lái và người chăn nuôi bỏ công mày mò, tìm hiểu về chương trình truy xuất nguồn gốc cho heo mà đến nay vẫn chưa hiểu sẽ làm như thế nào.
Theo bà Tâm, từ khi có quy định phải đeo vòng chân cho heo, bà đã nhiều lần phải đánh xe không từ trại chăn nuôi về dù trước đó bà có yêu cầu các trại nuôi phải thực hiện việc đeo vòng cho heo. Nhưng khi đến bắt heo, đa số các trại nuôi đều bối rối vì không biết tìm ai để hướng dẫn thực hiện.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết
- người chăn nuôi Đồng Nai ủng hộ việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cho heo để đảm bảo an toàn thực phẩm. Khó khăn lớn nhất hiện nay là do thiếu sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. Ngay sau buổi gặp gỡ với các thương lái và người chăn nuôi, hiệp hội sẽ gửi văn bản kiến nghị lên Sở Công thương và Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn để sớm tổ chức buổi làm việc giữa các ngành chức năng của Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Nội dung chính là để bàn giải pháp tháo gỡ ngay những vướng mắc trong việc triển khai đề án truy xuất nguồn gốc cho heo, tránh để xảy ra tình trạng heo bị tồn đọng vì thương lái và người chăn nuôi không thực hiện đúng theo quy định mới.
Các trang trại chăn nuôi heo quy mô nhỏ lo lắng vì chưa được hướng dẫn thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc cho heo.
Bà Hoàng Thị Kiều Oanh, chủ trại chăn nuôi tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) lo lắng: “Tôi đã nhiều lần gọi điện đến Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh để tìm hiểu về quy định mới này. Nhưng mỗi lần gọi là một người hướng dẫn khác nên dù bỏ công rất nhiều, đến nay tôi vẫn chưa biết cách thực hiện, chúng tôi cũng không biết kêu ai hướng dẫn. Chưa kể, những chi phí phát sinh trong việc đeo vòng chân cho heo đều do nông dân chịu. Đây là gánh nặng không nhỏ cho người chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ phá sản như hiện nay”.
Bà Oanh cũng tỏ ra bức xúc vì theo quy định của chương trình, người chăn nuôi phải kê khai rõ số lượng đầu heo, trọng lượng và số tiền bán heo.
Cần xử lý gấp
Phản ánh về những quy trình, thủ tục quá rườm rà trong việc kiểm soát con heo từ người chăn nuôi ra chợ, ông Phạm Đức Thu, chủ trại heo tại huyện Thống Nhất, cho rằng: “Người chăn nuôi chúng tôi sẵn sàng ủng hộ việc thực hiện chương trình truy xuất nguồn gốc với mục tiêu đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm. Nhưng khi áp dụng quy trình kiểm soát mới thì nên rút gọn những quy định kiểm tra, kiểm soát cũ hoặc thống nhất thành một quy trình quản lý duy nhất. Vì hiện nay, thủ tục quy định kiểm tra con heo quá rườm rà, phức tạp gây khó cho cả người chăn nuôi và thương lái”.
Cho ý kiến về những khó khăn người chăn nuôi gặp phải, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận xét: “Những chương trình hội thảo triển khai đề án truy xuất nguồn gốc cho heo do Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh tổ chức chủ yếu mới mời một số trang trại lớn do các công ty, doanh nghiệp đầu tư. Theo tôi được biết, các công ty chăn nuôi lớn có phối hợp với Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh để đưa chuyên gia về tận nơi triển khai việc thực hiện phần mềm truy xuất này. Còn những trại chăn nuôi tư nhân hoặc hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hầu như chưa được hướng dẫn cụ thể về chương trình này”.
Theo ông Đoán, Sở Công thương và các ngành chức năng của Đồng Nai nên tổ chức ngay các lớp tập huấn về từng địa phương, cầm tay chỉ việc cho người chăn nuôi.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai, khẳng định
- đeo vòng chân cho heo là quy định của đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do TP.Hồ Chí Minh thực hiện. Người chăn nuôi muốn bán sản phẩm vào thị trường này thì phải tuân theo những quy định của chương trình trên. An toàn vệ sinh thực phẩm là chủ trương lớn của Chính phủ nên tổ chức truy xuất nguồn gốc thực phẩm không chỉ là chương trình riêng của TP.Hồ Chí Minh, mà sau này Đồng Nai cũng sẽ làm. Đối với những ý kiến phản ánh của thương lái và người chăn nuôi về vướng mắc, khó khăn trong thực hiện, các ngành chức năng của Đồng Nai sẽ tổ chức buổi làm việc ngay với TP.Hồ Chí Minh để tháo gỡ. Các cơ quan chức năng của Đồng Nai sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho người chăn nuôi và thương lái trong thực hiện chương trình.