Về đầu trang

Trung Quốc hối nông dân trồng đậu tương

Posted by admin
Category:
Trung Quốc kêu gọi nông dân tăng diện tích đậu tương nhưng vẫn không đủ phục vụ cho ngành công nghiệp chăn nuôi.

Quan chức ngành nông nghiệp Trung Quốc hôm qua đã ra lệnh cho nông dân tăng diện tích trồng đậu tương, cho dù trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Trung Quốc sẽ mua nhiều các mặt hàng nông sản hơn của Mỹ, theo một thỏa thuận song phương sau một loạt các căng thẳng trong giao thương giữa hai cường quốc.

Theo SCMP, đậu tương hiện chiếm khoảng 2/3 lượng xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc và Washington ca ngợi cam kết từ nhập nông sản của Bắc Kinh, như một phần của thỏa thuận ngăn chặn một cuộc chiến thương mại được coi là “một trong những điều tốt đẹp nhất đối với nông dân Mỹ trong nhiều năm qua”- theo lời Tổng thống Donald Trump đăng trên tweeter cá nhân.

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, chiếm 87% lượng tiêu thụ nội địa năm ngoái  để đảm bảo nguồn nguyên liệu thức ăn ổn định và quan trọng đối với ngành công nghiệp thịt lợn siêu lớn cũng như thị trường tiêu thụ khổng lồ của đất nước. Theo các chuyên gia, do vậy ngoài việc yêu cầu nông dân các địa phương mở rộng diện tích đậu tương thì chính phủ Trung Quốc cũng mong muốn đa dạng thêm nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một hay vài đối tác truyền thống. Xa hơn nữa là nước này có thể sẽ cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào lượng nhập khẩu. Hiện các vùng trồng đậu tương lớn của Trung Quốc bao gồm các tỉnh phía đông bắc như Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm…

Theo Chinadaily, lệnh mở rộng diện tích đậu tương của chính phủ Trung Quốc được loan đi sau khi Bộ Thương mại nước này đe dọa sẽ áp thuế hạn ngạch 25% đối với đậu tương nhập từ Mỹ. Tuy nhiên vào thời điểm này thì đe dọa áp thuế trên không thể trở thành hiện thực sau một thỏa thuận của phái đoàn ngoại giao Bắc Kinh tới thủ đô Washington hồi đầu tháng này.

Trước đó, theo một thông báo khẩn của ngành nông nghiệp ở thành phố Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, đã yêu cầu tất cả các huyện thị phải nỗ lực bằng mọi cách đê tăng diện tích trồng đậu tương như một “ưu tiên chính trị” và có chế độ báo cáo hàng ngày về diện tích trồng từ sau ngày 29/4. Tương tự, nhà chức trách ở Hắc Long Giang và khu tự trị Nội Mông cũng đã ban hành các chỉ thị tương tự, kêu gọi nông dân trồng thêm đậu tương. Hồi tuần trước, nông dân tên Zhao ở Hắc Long Giang nói với tờ SCMP rằng, nông dân trong thị trấn của ông đã trả lời các cuộc gọi của chính quyền và diện tích trồng đậu tương trong năm nay đã tăng hơn một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 95,54 triệu tấn đậu tương trong năm 2017, tăng 14,8% so với năm 2016. Trong số đó, khoảng 1/2 từ Brazil và 1/3 từ Mỹ. Sản lượng nội địa của Trung Quốc là 14,3 triệu tấn trong năm 2017, tăng 14,8 phần trăm so với năm trước. Tuy nhiên, tác động của việc nhập khẩu số lượng lớn đậu tương từ Mỹ và Nam Mỹ có nghĩa là Trung Quốc đang phải trợ cấp cho nông dân trong nước. Theo tính toán, chính phủ Trung Quốc năm nay vẫn sẽ phải trợ cấp khoảng 200 nhân dân tệ (31 USD) cho mỗi mu đậu tương (1 ha bằng 15 mu), cao gần gấp đôi so với mức trợ cấp đối với ngô. Ngoài ra theo THX, ngươi trồng lúa ở nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc hiện cũng được thụ hưởng chính sách trợ giá từ trung ương nhằm đảm bảo quyền lợi cho nông dân, theo lộ trình chuyển đổi nghề và đào tạo kỹ năng cho 1 triệu nông dân/năm.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, tuần trước chính phủ đã lên kế hoạch đẩy diện tích trồng đậu tương trên toàn quốc lên ít nhất 10 triệu mu trong năm nay lên thành 127 triệu mu. Theo giới phân tích tài chính, đây được cho là nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung trong nước nhằm một phần giảm rủi ro có khả năng sẽ vướng vào chiến tranh thương mại trước mắt. Còn về lâu dài là đảm bảo chiến lược đa dạng hóa nguồn cung trong nước vẫn được coi là giải pháp đúng đắn.

Theo cơ quan nông nghiệp Rosselkhoznadzor của Nga, từ tháng 7/2017 đến giữa tháng 5/2018, Trung Quốc đã mua 850.000 tấn đậu tương từ Nga, cao gấp đôi con số cùng kỳ trước đó. Nga và Ukraine hiện cũng được chính phủ Trung Quốc coi là thị trường nhập khẩu tiềm năng trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung đậu tương của nước này.

Trả lời