Về đầu trang

Vận tải “oằn lưng” cõng thuế, phí

Posted by admin

Thuế bảo vệ môi trường là theo sự hiệp thương của Chính phủ Việt Nam và Tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường…

Chi phí vận chuyển bắt buộc phải tăng theo giá xăng dầu nếu doanh nghiệp không muốn bù lỗ – Ảnh: Khánh Linh

Theo tôi, thuế bảo vệ môi trường là theo sự hiệp thương của Chính phủ Việt Nam và Tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường để giảm thiểu khí thải nhà kính, bảo vệ tầng ozon. Một số nước lớn như Mỹ, Trung Quốc cũng đã tham gia ký Hiệp định về bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam đã cam kết đóng góp 1 triệu USD vào quỹ này.

Việc bảo vệ môi trường là cần thiết, tuy nhiên đề xuất thu thuế môi trường đối với xăng dầu cao nhất 8.000 đồng/lít trong điều kiện cuộc sống của người dân còn khó khăn cần phải xem xét và có lộ trình phù hợp. Người dân sẽ sẵn sàng đóng góp nhưng phải căn cứ vào mức tăng trưởng kinh tế của đất nước để có lộ trình hợp lý.

Vài năm trở lại đây, đã có nhiều loại phí như phí môi trường, phí kiểm định tăng cao đều đánh vào túi tiền của doanh nghiệp, người dân. Với lĩnh vực vận tải vốn đang phải “oằn lưng” cõng các loại phí, nếu thuế xăng dầu tăng nữa càng khiến các doanh nghiệp lao đao. Ai cũng biết, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nhà máy, xí nghiệp, phương tiện đi lại đều phải sử dụng. Bất kỳ sự tăng giá nào cũng tác động lớn tới nền kinh tế vĩ mô của đất nước, cuộc sống của người dân. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét cẩn trọng khi đưa ra mức thu thuế cao như vậy, tránh làm ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế đất nước.

Riêng với lĩnh vực vận tải, các chi phí đều được xây dựng theo cơ chế thị trường và do thị trường quyết định. Giá cước được xây dựng trên cơ sở các thông số rất cụ thể, rõ ràng là: Lương và các khoản trích theo lương; nhiên liệu và các vật liệu khai thác; khấu hao và trích trước sửa chữa lớn; bảo dưỡng sửa chữa; phí và lệ phí có liên quan; chi phí quản lý và chi phí khác. Trong đó, thành phần chiếm tỷ lệ cao trong chi phí vận tải là nhiên liệu (35-50%), nhân công (15-20%), phí cầu đường (10-15%), gần đây phát sinh thêm phí bảo trì đường bộ, phí cầu đường do các dự án BOT. Giá xăng hiện nay khoảng 17.000 đồng/lít, nếu áp thuế bảo vệ môi trường như Bộ Tài chính đề xuất, sẽ khiến vận tải tăng thêm khoảng 30% chi phí.

Để không rơi vào cảnh thua lỗ, phá sản, chắc chắn doanh nghiệp phải điều chỉnh giá vé theo hướng tăng rất cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền, đời sống của hành khách, người dân. Theo quan điểm cá nhân tôi, chúng ta vừa thoát khỏi suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực vận tải và đời sống của người dân nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, do đó các cơ quan chức năng cần cân nhắc mức tăng các loại thuế phí một cách hợp lý. Nếu buộc doanh nghiệp, người dân phải đóng các khoản phí quá cao không chỉ tác động đến sản xuất, kinh doanh mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, đời sống của người dân.

Bùi Danh Liên

 

Trả lời