Về đầu trang

900.000 hộ dân khủng hoảng và cuộc giải cứu chưa từng có – nhìn lại thị trường năm 2017

Posted by admin

Kết thúc năm 2017, người chăn nuôi vẫn không thể thoát được cơn “khủng hoảng” của ngành chăn nuôi lợn khi vào những ngày cuối năm, giá thịt lợn hơi xuất chuồng trên khắp cả nước dù đã nhích lên đôi chút nhưng vẫn chỉ quanh quẩn ở mốc 27.000-35.000 đồng/kg.

Có lẽ, với người chăn nuôi lợn, chưa năm nào lại buồn như năm 2017 này khi suốt cả năm họ phải đối diện với “bão giá lợn”.

Còn nhớ, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán năm ngoái, thay vì tăng giá đúng theo quy luật của thị trường, giá thịt lợn lại bắt đầu chu kỳ giảm giá mạnh. Càng cận Tết, giá thịt lợn hơi càng giảm sâu. Tại nhiều nơi như Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Đồng Nai,… thịt lợn chỉ còn 25.000-30.000 đồng/kg thay vì 40.000 đồng/kg như trước, người chăn nuôi bắt đầu rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Song, “cơn bão giá” bắt đầu tăng cấp độ từ sau Tết Nguyên đán. Nguồn cung dư thừa khiến ngành chăn nuôi lợn chính thức rơi vào cuộc “khủng hoảng”. Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, “cơn bão” này càn quét qua tất cả các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, kéo giá lợn giảm kỷ lục xuống chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg. Lợn giống giảm giá theo, nhiều nơi còn “mua 1 tặng 1”.

Thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phải thừa nhận: chưa bao giờ giá lợn giảm mạnh đến vậy.

Thực tế, trên khắp cả nước, người nuôi vẫn ngậm đắng nuốt cay khi bán một cân thịt lợn không mua nổi cân táo tàu, thậm chí giá thịt lợn rẻ như mớ rau ngoài chợ.

Để chống chọi với tình trạng giá lợn giảm xuống mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua, người nuôi vét nhẵn túi, cắm sổ đỏ lấy tiền mua cám cho lợn ăn,… Thế nhưng, với mức lỗ từ 1-1,5 triệu đồng/con, không ít hộ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, đứng bên bờ vực phá sản, trắng tay. Buồn hơn, lợn đến kỳ xuất chuồng không ai mua, có nơi tính chuyện đưa lợn thả lên rừng đỡ tốn tiền mua thức ăn.

Báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Nội cho thấy, người chăn nuôi ở Thủ đô lỗ tới 1.500 tỷ đồng khi bán 1,6 triệu con lợn trong khoảng từ 10/2016 đến cuối 4/2017.

Cũng may, sau một thời gian giảm xuyên đáy, giá lợn đầu tháng 5 bắt đầu nhích nhẹ rồi vọt tăng lên 35.000 đồng/kg. Người chăn nuôi cả nước thở phào nhẹ nhõm khi lợn xuất chuồng đã hoà vốn nhờ tác dụng từ cuộc giải cứu thịt lợn.

Sang đến tháng 7, giá lợn tăng đến đỉnh điểm, nhích lên từng ngày từng giờ. Tại Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam,… giá lợn lên tới 42.000 đồng/kg, có nơi 45.000 đồng/kg, thậm chí là 47.000 đồng/kg lợn hơi,… Người chăn nuôi lại lãi đậm.

Tuy nhiên, đà tăng giá nhanh chóng chấm dứt bởi cuối tháng 7, giá thịt lợn lại quay đầu giảm mạnh. Và từ giữa năm 2017 tới những ngày cuối năm, giá lợn đã nhích lên đôi chút nhưng vẫn chỉ quẩn quanh ở mốc 27.000-35.000 đồng/kg, đánh dấu một năm ngành chăn nuôi chìm sâu trong cơn “bão giảm giá”.

“Giải cứu nông sản” – cụm từ có thể nói khá gần gũi với dân Việt trong mấy năm trở lại đây. Bởi, cứ nông sản ế ẩm rớt giá lại giải cứu… Thế nhưng, chưa bao giờ diễn ra một cuộc giải cứu rầm rộ ở cấp độ quốc gia như “giải cứu thịt lợn” trong năm 2017.

Nói vậy không quá ngoa ngôn, bởi, trong lúc nguy cấp, giá thịt lợn giảm xuyên đáy, lợn ách tắc đầu ra thì Bộ NN-PTNT liên tục họp khẩn, gửi công văn “cầu cứu” Thủ tướng, gửi công văn hoả tốc kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, người tiêu dùng cả nước ưu tiên ăn thịt lợn để giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khốn khó.

Thậm chí, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã về tận cơ sở để kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ người chăn nuôi bằng cách tăng cường khẩu phần thịt lợn trong bữa ăn của cán bộ công nhân viên.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, các bộ ngành, đoàn thể, địa phương đồng loạt vào cuộc. Nhiều điểm bán thịt lợn “bình ổn giá” được mở ra, giúp người tiêu dùng được ăn thịt giá rẻ, còn người chăn nuôi bớt ế ẩm.

Các lò mổ tại chỗ cũng được lập ra. Vài nhà chung nhau đụng một con lợn, bà con mua ủng hộ về chế biến đủ các món, cấp đông đầy tủ lạnh. Ai cũng mong góp một phần nhỏ giúp người chăn nuôi thoát khó.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hưởng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank đã quyết định ngay gói cho vay ưu đãi 500 tỷ đồng cho các đối tượng là nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh… với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thị trường mà các đối tượng này đang vay vốn và thời hạn cho vay ưu đãi là 1 năm. Ngoài ra, đơn vị này còn thu mua hàng ngàn kg thịt lợn hơi với giá 45.000 đồng/kg để giải cứu đàn lợn, giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời đem số thịt lợn đã mua tặng lại cho các hộ nghèo, trung tâm bảo trợ xã hội… tại nhiều tỉnh thành với mong muốn “cơm có thịt lợn” đến được với nhiều người.

Cuộc giải cứu lợn đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp ngành chăn nuôi tránh được một cuộc khủng hoảng lớn, gây bất ổn tới nền kinh tế – ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đánh giá.

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cũng thẳng thắn chỉ ra, nguyên nhân khiến thịt lợn dư thừa, mất giá là do không chủ động được thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thế nên, khi Trung Quốc siết chặt việc xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch thì lợn Việt bị ách tắc đầu ra và giá giảm mạnh.

Thêm nữa, thời gian qua, khi thấy giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi ồ ạt vào đàn cũng khiến nguồn cung vượt mạnh so với nhu cầu thực tế.

Hậu khủng hoảng thịt lợn, dù chưa có con số thống kê thiệt hại chính thức, song tại cuộc họp giao ban vào tháng 10 vừa qua, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, xu hướng hiện nay là khối chăn nuôi nông hộ giảm rất mạnh. Như thống kê của ngành, dự kiến năm nay hộ chăn nuôi sẽ giảm khoảng 800.000-850.000 hộ, thậm chí có thể lên đến 900.000 hộ.

Song, vấn đề đáng quan tâm là sau khủng hoảng lộ ra lỗ hổng lớn của ngành chăn nuôi lợn. Một ngành có tiềm năng lớn như vậy, với sản lượng thịt 3,7 triệu tấn (2016), song chỉ có 20.000 tấn thịt lợn choai và thịt lợn sữa xuất khẩu chính ngạch mỗi năm, còn lại phần lớn lợn hơi xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng, cuộc giải cứu thịt lợn vừa qua chỉ là giải pháp tình thế nhằm cứu vãi ngành chăn nuôi lợn khỏi “vỡ trận”. Còn giải pháp lâu dài mới là quan trọng.

Sau khủng hoảng, cơ quan chức năng cũng rốt ráo vào cuộc bàn chuyện tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn. Nhiều biện pháp được đưa ra, như kiểm soát chặt tăng đàn, giảm đàn lợn nái; tăng cường xúc tiến với phía Trung Quốc để xuất khẩu thịt lợn chính ngạch,… Song, cốt lõi là phải thực hiện liên kết chuỗi để kiểm soát chặt dịch bệnh và kiểm soát vệ sinh thực phẩm. Có như vậy, thịt lợn Việt Nam mới đủ điều kiện để vào các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU,…

Để khai thông bế tắc cho chăn nuôi lợn ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, trước mắt, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung cho xuất khẩu bằng việc tổ chức một số chuỗi sản xuất có quy mô lớn, các doanh nghiệp có tiềm lực lớn về kinh tế và năng lực quản trị, nhất là kinh nghiệm xuất khẩu để làm hạt nhân thí điểm.

“Phải xuất khẩu thịt lợn” – lối ra duy nhất để khai thông thị trường lợn nuôi. Tuy nhiên, nhiều người băn khăn, rằng nếu chỉ chọn các doanh nghiệp lớn thì hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ra sao, liệu họ có bị gạt ra ngoài “cuộc chơi”?

Câu hỏi trên vẫn còn bỏ ngỏ, duy chỉ có một điều chắc chắn rằng, Tết này có lẽ là cái Tết không trọn vẹn của hàng nghìn hộ dân, trang trại chăn nuôi lợn, khi họ đang phải đối diện với một tương lai mịt mùng!.

 

Trả lời