Trung Quốc ngưng mua, đàn heo vỡ trận
Giá heo hơi đứng ở mức người nuôi có lời khá cao trong suốt cả năm 2015 và đến tận tháng 11/2016. Năm nay, những tưởng họ tiếp tục được vui tết nhưng từ đầu tháng 12, Trung Quốc đột ngột ngưng nhập heo từ Việt Nam khiến thị trường tiêu thụ bị đảo lộn.
Sau khi Trung Quốc đột ngột ngưng mua heo Việt Nam từ tháng 12, khủng hoảng thừa thịt heo là điều tất yếu, khi những người nuôi heo bất kể đến tình hình thị trường mà TGTT đã cảnh báo từ đầu năm 2016.
Hơn tháng nay, họ sôi sục tìm đường bán heo mà vẫn không được: cung đã vượt quá cầu tới 20 – 30%.
Năn nỉ bán giúp heo
7 giờ sáng ngày 1/1, ba tiếng bíp bíp từ chiếc điện thoại Nokia “cùi bắp” báo hiệu có ba tin nhắn. Không phải lời chúc mừng năm mới mà từ ba người người chăn nuôi ở Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai).
Một từ anh Tr-heo: “Anh xem có mối nào ở Sài Gòn bắt cho em đàn heo 300 con được không”. M-heo: “Em có 500 con, trọng lượng trung bình 1,2 tạ, anh bán giúp em với!”. H-heo: “Em quen mấy lò mổ, kêu họ bắt đàn heo cho anh với. Mấy ngày nay anh tìm lái mua mà không được”.
Trung Quốc đột ngột ngưng nhập, giá heo rớt thê thảm. Có ngày, có nơi trong khoảng cuối tháng 12/2016 và đầu năm 2017, chỉ còn 26.000 – 30.000 đồng/kg. Ngày 1/1, ở Gia Kiệm, thương lái chỉ trả cho người nuôi có 28.000 đồng/kg heo mỡ, còn heo ngon nhất chỉ có 31.000 đồng. Với giá này, người nuôi lỗ ít nhất 30%, nhưng thời gian trước mắt vẫn còn mù mịt đầu ra.
Ông Trần Quang Trung, một người nuôi heo ở Gia Kiệm, cho biết vài tuần nay giá không còn chuẩn mực “sàn, trần” như trước do người nuôi có tâm lý cắt lỗ. Thương lái trả giá nào cũng bán. Có những ngày, theo ông Trung, giá heo hơi tụt xuống 25.000 đồng/kg.
“Trang trại của tui đang còn vài trăm con, trọng lượng tạ hai tạ ba, nhưng kêu bán hoài mà không được”, ông Trung chua chát nói.
Thử kiểm tra thêm thông tin từ một số lò mổ lớn ở TPHCM, họ cũng khẳng định lượng heo đưa về thành phố mỗi đêm đang “vượt xa nhu cầu gấp nhiều lần”. Như lò mổ An Hạ của bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, ở Củ Chi, mỗi đêm làm trung bình khoảng 4.800 – 4.900 con, quá tải so với trước đây hơn 2.000 con.
Theo bà Thắm, từ khi Trung Quốc ngưng mua heo thì lượng heo từ khắp nơi đổ dồn về thành phố, trong khi sức mua cuối năm vẫn y, thậm chí là ít hơn do nguyên liệu thịt heo chế biến thực phẩm tết đã đủ.
Cái chết được báo trước
Đầu năm 2016, sau khi nhận thấy tình cảnh “nhà nhà đổ tiền nuôi heo”, Thế Giới Tiếp Thị từng có bài viết cảnh báo Nuôi heo sắp “vỡ trận” như nuôi gà. Tại thời điểm đó, người chăn nuôi cả nước đã có một năm (2015) thu lãi rất lớn từ con heo nhờ vào việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua.
Người ta tính toán, trong suốt cả năm 2015, cứ bán một con heo là thu về khoản tiền lời cả triệu đồng. Rất nhiều chủ trại, sau khi gom được một khoản lợi nhuận kha khá trong năm 2015, nên ngay từ đầu năm 2016, liền đẩy mạnh đầu tư xây trại, tăng đàn.
Như trường hợp của bà Thắm, một người nuôi heo ở huyện Định Quán, Đồng Nai là ví dụ. Từ tháng 11/2015 – 1/2016 đã xây liên tiếp ba trang trại cho công ty nước ngoài thuê nuôi heo. Trước đó, bằng nguồn vốn tự có 60 tỉ đồng, bà Thắm lên khu vực Madagui, Lâm Đồng mua thêm 20ha đất để xây hai trang trại nuôi heo.
Với hai trang trại này, trong suốt năm 2015, do heo hơi có giá nên bà Thắm nói đã thu về hơn 10 tỉ đồng lợi nhuận. Từ đầu năm 2016, do phong trào đầu tư nuôi heo nở rộ nên giá đất làm trang trại cũng tăng chóng mặt.
Một trang trại có công suất khoảng 10.000 heo thịt cần 10ha đất với giá tới gần chục tỉ đồng, và người nuôi còn phải bỏ ra 30 – 40 tỉ xây trang trại, mua sắm thiết bị. Số tiền tuy lớn, nhưng nếu ai có vài ba trại thời điểm đó thì chỉ cần trúng vài ba lứa heo là có thể thu hồi vốn.
Heo trúng giá là yếu tố quyết định đến việc tăng đàn, mở rộng trang trại. Ai có một trại thì tích luỹ tiền lãi bán heo để mua đất làm thêm trại mới. Cũng có người vay tiền ngân hàng xây trại cho các công ty thuê lại. Số trại mới được xây dựng thêm trong năm 2015 đếm không xuể. Lần đầu tiên, Việt Nam đã xuất tới hơn 600.000 tấn thịt heo, tương đương 6 triệu con sang Trung Quốc với trị giá hơn 1 tỉ USD.
Mọi chuyện chỉ bị đảo lộn từ đầu tháng 12/2016, khi Trung Quốc ngưng mua đột ngột. Lập tức, nguồn cung heo trên thị trường bị dư thừa cả về số lượng đầu con lẫn trọng lượng.
Giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi ở Đồng Nai phân tích: với 6 triệu con heo xuất sang Trung Quốc sau 11 tháng của năm 2016, thì tính ra mỗi ngày thị trường này nhập hơn 18.000 con heo từ Việt Nam.
Nay, nếu Trung Quốc ngưng mua thì cũng đồng nghĩa với việc trung bình mỗi ngày cả nước dư thừa hơn 18.000 con heo. Số heo này sẽ dư thừa thêm sản lượng do người nuôi không bán được. Thay vì trước đây cứ đạt trọng lượng 100kg/con là bán, còn nay có khi lên 130 – 150kg.
“Điều này rất nguy hiểm, nếu không bán kịp thì con heo càng lớn và lượng thịt dư thừa càng tăng”, vị giám đốc trên nói.
Trong khi đó, nhiều phân tích cho thấy ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc trong năm 2016 đã lấy lại đà hồi phục của hai năm giảm suốt trước đó do vấn đề dịch bệnh và môi trường.
Từ năm 2017, chắc chắn Trung Quốc sẽ giảm mạnh nhập khẩu thịt heo, và như vậy cuộc sống tương lai phía trước của hàng triệu hộ chăn nuôi Việt Nam sẽ rất mù mịt. Nếu có giảm đàn ngay từ lúc này thì phải ít nhất hai năm sau lượng heo mới có thể duy trì ở trạng thái cân bằng cung cầu.
Nguồn : S.t