Về đầu trang

Đất cảng hay “đất cản”?

Posted by admin

“Không hiểu điều gì đang xảy ra (ở Hải Phòng)”! Đại diện nhà đầu tư Nhật Bản thốt lên tại buổi thảo luận ngày 13-2 về tính pháp lý của quyết định thu phí cảng biển do TP Hải Phòng đưa ra, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.

Ảnh minh họa

Đó là Nghị quyết 148 của HĐND TP Hải Phòng, ban hành ngày 13-12-2016, quy định về thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Cụ thể, mức phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan đều tăng cao so với mức thu của năm 2016. Mức phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Hải Phòng cũng tăng mạnh. Cũng bởi quy định mới này, thủ tục thông quan cũng rườm rà hơn, mất thêm nhiều thời gian hơn.

Quận Hải An có nhiều cảng biển nên TP Hải Phòng giao quận này triển khai lập tới 13 điểm thu với gần 100 cán bộ, nhân viên trực tiếp thu phí.

Bị tốn thêm chi phí, doanh nghiệp (DN) đồng loạt kêu trời. Thực ra, trước khi đưa ra quy định trên, chính quyền Hải Phòng có tổ chức đối thoại với DN nhưng không đạt được sự đồng thuận và TP này vẫn quyết tăng thu. Vì thế, nhiều DN đã “cầu cứu” đến trung ương.

Chính phủ vừa yêu cầu các bộ – ngành hữu quan báo cáo về trường hợp này. Trong lúc các bên đang chờ ý kiến của Chính phủ trong vài ngày tới, có thể chỉ ra nhiều bất cập trong cách làm của chính quyền Hải Phòng.

Trước hết, DN hầu như đã đóng tất tần tật các loại thuế, phí theo quy định rồi. Xe chạy đường bộ thì đóng phí bảo trì đường bộ, vào cảng thì đóng phí, vào luồng cũng vậy, rồi phí lưu kho, lưu bãi, phí xếp dỡ… Hải Phòng không thể muốn có tiền để đầu tư hạ tầng cảng biển mà “đè” DN ra thu! Và nữa, cách làm của TP này có vẻ ngược xu thế. Giả định việc thu phí là đúng thì lẽ ra nên tìm nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng trước rồi thu phí sau. DN được sử dụng hạ tầng tốt thì đóng phí mới hợp lẽ; đằng này, buộc người ta chi tiền cho hạ tầng trong tương lai – cái mà chưa chắc họ sẽ còn sử dụng, chất lượng có tốt hay không…

Thứ đến, bằng quyết định tăng phí nghẹt thở nói trên, Hải Phòng đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của chính mình. Các nhà đầu tư nước ngoài, các DN xuất nhập khẩu trong nước sẽ đánh giá thấp thiện chí của chính quyền trong việc thu hút đầu tư và đồng hành với DN. Chính các công ty kinh doanh dịch vụ cảng biển sở tại cũng cho rằng các mức phí mới quá cao, có thể khiến không ít DN xuất nhập khẩu thuê dịch vụ ở cảng biển khác gần đó, như Cái Lân (Quảng Ninh) chẳng hạn. Là địa phương có thế mạnh về cảng biển lớn thứ hai cả nước, lẽ nào Hải Phòng không biết lấy ngắn nuôi dài? Đất cảng mà ngáng chân DN thì trở thành “đất cản” mất rồi!

Và vấn đề lớn nhất là việc tăng thu của Hải Phòng đi ngược với chủ trương của Chính phủ trong nỗ lực tiếp sức DN. Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 nêu 5 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp thứ 4 yêu cầu giảm chi phí kinh doanh cho DN. Như vậy, Hải Phòng đã ngược dòng với tinh thần chỉ đạo này, có khác nào trên trải thảm – dưới trải đinh!

Hoài Phương

 

Trả lời