Về đầu trang

Tiếng lợn kêu đòi ăn ám ảnh từng giấc mơ người chăn nuôi

Posted by admin

Trong giấc mơ của những người nuôi lợn mấy tháng nay là cuốn sổ ghi nợ của chủ đại lý cám cò, là đàn lợn lớn gầy trơ xương, lông xù lên kêu réo vì đói, là đàn lợn mới đẻ bị chôn sống dưới các hố rắc đầy vôi…

Thả rông lợn

Gần đây, đâu đâu cũng râm ran tin đồn về chuyện người này treo cổ trong chuồng lợn, người kia uống thuốc độc tự tử vì nuôi lợn thua lỗ. Tôi đã làm cuộc điều tra trên diện rộng nhưng đến tỉnh A lại bảo tỉnh B, đến huyện C lại bảo huyện D, đến xã E lại bảo xã F. Chuyện tự tử có thể có thật cũng có thể là không nhưng nó hé lộ một phần bức tranh xám xịt của những người chăn nuôi tự phát đang bị dìm ngập đến vai, đến cổ hết lượt.

Những con lợn đói hễ nghe tiếng người là chồm lên thành chuồng

Bảy tám tháng nay, giá lợn đổ dốc không phanh, chỉ tính riêng ngành chăn nuôi của Hà Nội mất chừng 1.500 tỉ. Đó là tài sản mồ hôi, nước mắt của 120.000 hộ chăn nuôi của Thủ đô. Đối với họ, bảy tám tháng đó thực sự là hơn hai trăm đêm ngày mất ngủ.

Cao Viên là xã ngoại thành của huyện Thanh Oai có nghề chăn nuôi lợn rất phát triển với 280 hộ tham gia, tổng đàn khoảng 13.000 con (tức gần như mỗi đầu người là một đầu lợn). Hầu hết các hộ ở đây đều nuôi lợn kiểu tận dụng. Gia đình ông Nguyễn Văn Lượng ở xóm Đậu bắt đầu bập vào cái nghiệp này từ năm 2008, thường xuyên có 10 con nái và trên 200 lợn thịt.

Bởi thức ăn chủ yếu là cơm thừa canh cặn được người con trai “đấu thầu” từ những nhà hàng, quán cơm ở Hà Nội, mang về nấu rồi phối trộn với cám công nghiệp nên giá thành mỗi 1kg thịt hơi khá rẻ. Thế mà ông bảo già đời người rồi nhưng chưa bao giờ mình chứng kiến cảnh giá thịt lợn xuống thảm hại, rẻ mạt như năm nay. “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ”, bao nhiêu năm chắt bóp từ nghề nuôi lợn giờ đây hết sạch.

Còn bà vợ ông Lượng bảo, cả hai giờ đã đều ngoài 60, quá tuổi để vay ngân hàng nên thiếu vốn trầm trọng mà vay ngoài cũng không biết xoay đâu ra. Gắng gượng chống đỡ, họ cắt hoàn toàn tiêu chuẩn cám công nghiệp của lũ lợn thịt, cho ăn một cách cầm cự mấy tháng nay nên chúng gầy giơ xương, lông xù lên như nhím.

Cho lợn ăn rau bèo cầm cự

Đêm đêm chợp chờn thức ngủ, trong giấc mơ của những người già như ông bà là tiếng lợn con kêu gào vì đói, là tiếng lợn mẹ bị bỏ qua lứa vì không dám lấy con cứ rống lên vì hứng tình…

Chăn nuôi kỳ cựu, có tiền tích cóp từ bao năm nay còn chật vật nữa là những người thấy kẻ khác lãi đậm mới nhảy vào nuôi như gia đình anh Đỗ Văn Thịnh ở thôn Vỹ. Họ đã, đang và vẫn sẽ phải trải qua những đêm dài ác mộng. Vợ chồng căng thẳng đến nỗi chẳng ai muốn nói với nhau một câu, nhà buồn còn hơn là đưa đám…

Hai cái sổ đỏ của gia đình đã bị huy động, “cắm” tất vào trong ngân hàng, mướt mải từ tết ra đến giờ vay từng đồng, từng hào để chạy ăn cho lợn. Dù đã cắt hết suất cám công nghiệp để nuôi bằng thức ăn thừa nhưng riêng số tiền nợ đại lý vẫn còn đọng hơn 100 triệu. Lo đến không tối nào ngủ yên được, vợ Thịnh để lại hai người con cho bà nội trông xin vào chân phục vụ thêm ở một quán ăn trên phố.

Thịnh chở cơm thừa về nuôi lợn

Dù mới mổ mắt vì bệnh đục thủy tinh thể nhưng chứng kiến cảnh khốn cùng đó của con trai, con dâu, bà lão cũng đành bỏ mặc mấy đứa cháu nội tự lo, xin đi quét dọn ở một công trường xây dựng mới mở.

Chỉ vào những con lợn đã to gần ngang với những con bò, họ dở khóc dở mếu: “Chúng em phải vay lãi tổng cộng 250 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, mua giống, mua cám nuôi 90 con lợn này. Giờ lợn đã quá lứa, nuôi đến 13 tháng, nặng trung bình 1,8 tạ, có con nặng đến 2,5 tạ mà gọi mãi chẳng thấy ai đến mua. Mấy đàn lợn con mới đẻ, bị ốm, tiêm 1 mũi thấy không khỏi em cũng chẳng dám chữa tiếp vì tiền thuốc còn đắt hơn tiền lợn nên thả hết ra đồng cho ai nhặt thì nhặt. Nếu mà bạo gan, đập chết chúng đi rồi nấu chung cùng cám cho lợn lớn ăn thì tốt hơn nhưng ám ảnh lắm anh ạ!”.  

Chôn sống lợn

Kề bên trại lợn của Thịnh là trại nhà Đỗ Văn Lợi nhưng ông lại giải phóng hơn 10 con lợn con mới đẻ bằng cách cho vào bao tải, đào hố, rắc vôi rồi chôn sống. Trước đây, những con không được đẹp như thế vẫn giữ lại tất nhưng giờ phải chọn lọc kỹ càng. Thâm tâm ông đau lắm nhưng không biết kêu với ai.

Cám viên không có đã đành, bữa ăn của lợn đang từ 3 bữa cũng bị cắt xoẹt xuống thành 2. Đêm đêm, lợn đói không ngủ được càng kêu khỏe khiến cho người nuôi cũng mất ngủ theo. Nhiều lúc già cả như ông cũng không dám dậy mà đi đái bởi sợ bật điện, thấy ánh sáng, thấy dáng người là lũ lợn trong chuồng lại lồng lên, đòi ăn. Tiếng kêu eng éc như những mũi khoan bê tông, vọng xoáy vào tai, vọng xoáy vào tim, vào óc.

Cái ao rộng lớn sát trại ông Lợi trước đây vốn bỏ không cho bèo nở thì giờ trở thành cứu cánh cho cả thôn. Người ta tranh nhau mang sào đến dầm mình trong nước tù, nước bẩn để vớt lên những bao tải nặng trĩu bèo. Thói quen thái rau, băm bèo, trộn cám tưởng như đã chết nay bỗng nhiên sống lại dù giống lợn lai kinh tế ăn nhiều bèo chỉ sống sót được thôi chứ không chịu lớn.

Gọi thương lái mãi không thấy đến mua, chán quá nên ngay cả số lượng lợn trong chuồng ông Lợi cũng không buồn đếm xem chính xác là 60 hay 70 con. Đói ăn, lũ lợn dày vò nhau ngoài chuồng. Căng thẳng, vợ chồng dày vò nhau ở trong nhà. Nhiều lúc mệt quá, chỉ thiếp đi chứ không hề ngủ. Không biết, trong giấc mơ của họ có hình ảnh của lũ lợn con bị rắc vôi rồi chôn sống?

Những hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đã vậy còn những hộ chăn nuôi quy mô lớn thì chẳng khác nào đứng chân trần trên ổ kiến lửa. Ông Nguyễn Trọng Long – Giám đốc HTX Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) từng nổi tiếng với chuyện “xây chung cư” mấy tầng cho lợn khẳng định dù đầu tư nuôi lợn ngót chục năm nay nhưng chỉ 2015, 2016 là cho lãi khá. Tiền lãi hai năm đó không đủ bù đắp cho hơn nửa năm gần đây liên tục lỗ, trung bình mỗi tháng 1 tỉ đồng.

Dù là chăn nuôi sạch bằng cám sinh học nhưng lợn của HTX vẫn không thoát khỏi cảnh ế ẩm. Số vốn đóng góp 60 tỉ của các thành viên bị thâm thủng từng ngày, nhanh như lũ tằm ăn rỗi. Đâu đâu người ta cũng hỏi thăm về lợn. Ra ngoài lợn, về nhà cũng vẫn lợn. Đến 1/3 thành viên của HTX lo nghĩ, suy sụp, mất ăn, mất ngủ.

Hoảng loạn, có người còn xin rút cả cổ phần khiến cho ông Long phải triệu tập một cuộc họp khẩn để bàn cách tháo gỡ: Nước mắt không giải quyết được vấn đề mà phải là ý chí, là tinh thần. Chúng ta đã chọn con đường chăn nuôi là xác định sẽ gặp rủi ro nhưng dù gì vẫn phải chiến đấu để vượt qua nếu không sẽ đổ vỡ hết. Và chúng tôi đã chọn giải pháp giảm đàn, loại bỏ nái xấu, nhập giống tốt về, mở rộng chuỗi tiêu thụ, tất cả cổ đông tạm thời tình nguyện không nhận lương…

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Trả lời