Vì sao thịt heo Việt khó xuất ngoại?
Khi các cơ quan quản lý vẫn chưa thực hiện tốt chức năng “kiến tạo”, “mở đường” thì xuất khẩu thị heo vẫn chỉ là viễn cảnh xa vời và rất khó để doanh nghiệp đầu tư theo chiều sâu.
Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính hiện cả nước vẫn còn tồn hàng trăm nghìn tấn thịt heo thì mặt hàng này vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường.
Trở ngại pháp lý
Tại Hội nghị “Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Hiện nay, cả nước có 6 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Hongkong (Trung Quốc) và 2 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Malaysia.
Năm 2016, sản lượng thịt heo xuất khẩu đạt khoảng 11.000 tấn (trị giá khoảng 100 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt khoảng 10.600 tấn (trị giá khoảng 46 triệu USD)”.
“Cửa” xuất khẩu cho thịt heo Việt Nam là khá hẹp, bởi thiếu hành lang pháp lý.
Ví dụ như thịt heo, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới chỉ có Hồng Kông và Malaysia là chúng ta đã ký Hiệp định về thú y, công nhận chất lượng kiểm dịch. Như vậy nếu về chính ngạch sản phẩm của Việt Nam mới chỉ có thể xuất khẩu vào hai thị trường này. Nhưng cũng xin nói thêm là hai thị trường này chỉ nhập khẩu heo sữa, với số lượng rất ít.
Từ thực tế câu chuyện “xuất ngoại” cho thit heo không chỉ bộc lộ sự yếu kém trong quy hoạch, tổ chức thực hiện mà cho thấy những yếu kém trong nỗ lực “mở đường” của các cơ quan quản lý. Hành lang pháp lý chính là lý do khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.
Nguy hay cơ từ Trung Quốc?
Từ lâu, thị trường Trung Quốc được coi là “cửa chính” cho xuất khẩu heo của Việt Nam.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, do những tác động từ kế hoạch năm năm lần thứ 13 về việc dịch chuyển vùng chăn nuôi heo, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, đàn heo nái của Trung Quốc năm 2017 sẽ tiếp tục sụt giảm, còn khoảng 38 triệu con.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu thịt heo đông lạnh của nước này trong năm 2016 đạt hơn 1,6 triệu tấn, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015. Xu hướng tăng nhập khẩu thịt heo đông lạnh vẫn được duy trì trong năm 2017 khi lượng nhập khẩu hai tháng đầu năm đạt hơn 220.000 nghìn tấn, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2016.
Hiện Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ các nước khu vực EU, Mỹ và Canada, Brazil. Nhập khẩu thịt heo đông lạnh tăng mạnh, khiến giá thịt heo tại Trung Quốc giảm đáng kể. Tính đến hết tháng 3/2017, giá heo hơi tại Trung Quốc chỉ còn 16,78 nhân dân tệ/kg (tương đương 56.000 đồng/ki lô gam), giảm tới gần 20% so với mức đỉnh được thiết lập vào tháng 6/2016.
Từ trước tới nay, trong các cơn biến động giá, phần lớn các cơ quan quản lý Việt Nam “đổ lỗi” thị trường thịt heo Trung Quốc là nguyên nhân chính gây bất ổn cho thị trường thịt heo Việt Nam. Theo các chuyên gia, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách nhìn thị trường Trung Quốc như một cơ hội chứ không phải nguy cơ. Tiếp cận như vậy sẽ có sự chủ động và có các giải pháp mang tính thị trường.
Sau chuyến đi công tác và làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về xuất khẩu thịt heo, Việt Nam đề nghị Trung Quốc xem xét bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt heo đối với Việt Nam. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Hiện Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị mọi giấy tờ liên quan để hoàn tất hồ sơ chuyển cho phía Trung Quốc xem xét bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt heo đối với Việt Nam. Lệnh cấm này được Trung Quốc ban hành năm 2012, khi đó dịch lở mồm long móng có xuất hiện tại Việt Nam.
Nếu đàm phán thành công, Việt Nam có thể xuất khẩu thịt heo chính ngạch sang Trung Quốc với số lượng lớn và sẽ gỡ được “nút thắt” để ngành chăn nuôi heo có thể phát triển. Nhưng cũng xin nhắc lại hãy xem thị trường Trung Quốc như một cơ hội chứ không phải là nguy cơ hay nguyên nhân thất bại cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Bởi ngay cả trong trường hợp Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch thì thì heo Việt Nam sẽ vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ đáng gờm, chủ yếu đến từ châu Âu và Bắc Mỹ.