Về đầu trang

TỔNG KẾT VỀ BIẾN ĐỘNG GIÁ HEO – TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO CHO NGÀNH CHĂN NUÔI

Posted by admin

Ngành chăn nuôi VN trong hơn 20 năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thu nhập người dân được cải thiện, đã liên tục tăng trưởng với mức năm sau cao hơn năm trước từ 5 – 10%, đóng góp đáng kể vào GDP của đất nước.
Theo số liệu thống kê nhu cầu tiêu thụ thịt của VN hiện tại vào khoảng 6 triệu tấn/năm trong đó 65% là thịt heo (3,9tr tấn/năm). Tương ứng với sản lượng thịt heo như vậy thì qui mô của đàn heo phục vụ thị trường nội địa vào khoảng 23 triệu con. Thực tế lượng heo cuối 2016 ở mức rất cao, khoảng 30 đến 33tr con và tổng sản lượng TACN trên 21tr tấn. Tại thời điểm này, đàn heo còn khoảng 23 – 27 tr con. Do công tác thống kê yếu kém, các số liệu trên đều chỉ là ước đoán và không hoàn toàn đáng tin cậy.

 

Trong khoảng một năm vừa qua, sự biến động bất thường của giá lợn hơi hẳn sẽ là kỉ lục lâu dài của ngành chăn nuôi Việt Nam. 
Ngành chăn nuôi được hưởng nguyên năm 2015 thuận lợi với giá heo xuất chuồng từ 35.000 – 45.000đ/kg trong điều kiện chi phí đầu vào ở quanh mức 30.000 – 35.000đ/kg; đạt đỉnh vào tháng 05/2016 với mức giá cao ngất ngưởng 55.000 – 57.000đ/kg khi ngành chăn nuôi TQ gặp khó khăn do tình hình thiên tai lũ lụt cũng như các biện pháp kiểm soát môi trường gia tăng của chính phủ TQ khiến khan hiếm nguồn cung, giá heo tại thị trường nội địa TQ sốt chóng mặt tới mức 75.000 – 80.000đ/kg (25 – 28 tệ/kg). Giá tốt kéo dài cho tới tháng 09/2016 mới bắt đầu sập giá, sau phóng sự của Đài CCTV về tình hình heo sống nhập tiểu ngạch từ VN vào TQ thiếu kiểm soát thú y, dịch bệnh tràn lan ở khu vực Biên giới.

 

 Sau thời điểm này, việc kiểm soát chặt đầu TQ hầu như đã ngăn chặn toàn bộ đường xuất tiểu ngạch, kéo theo giá heo giảm. Cho dù nhu cầu tiêu thụ thịt dịp Tết Nguyên đán 2017 tăng có đẩy giá lên được một giai đoạn ngắn, nhưng đà giảm giá là không thể ngăn chặn được, và giá cũng giảm tới mức kỉ lục 15.000 – 17.000đ/kg vào nửa cuối tháng 04/2017. Mức giá sau đó duy trì 20.000 – 24.000đ/kg cho đến đầu tháng 07/2017 bắt đầu tăng đột biến khi heo đi biên TQ thông và tồn heo trong dân giảm. Chỉ trong vòng 2 tuần, giá heo đã lại đảo chiều, tăng chóng mặt từ 24.000đ/kg lên mức kỉ lục 42.000 – 45.000đ/kg; mức giá này còn cao hơn nhiều so với giá xuất biên, bởi thị trường nội địa TQ giá vẫn duy trì ở quanh mức giá 14 tệ/kg (45.000 – 47.000đ/kg).

Việc sốt nóng này có vẻ không duy trì được lâu bởi giá cao không xuất biên được, mà tiêu thụ trong nước không có yếu tố tăng đột biến, giá sốt bởi người chăn nuôi găm hàng chờ giá cao hơn nữa. Từ 18/07/2017 đã có dấu hiệu giá chững và giảm, mặc dù nhiều báo đài vẫn phát “giá tăng lên đến 45.000đ/kg người chăn nuôi phấn khởi” trong khi thực tế miền Bắc công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi CP vẫn xuất bán giá 41.000 – 41.500 / và miền Nam chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn, HCM) giá cũng chỉ ở mức 35.000 – 36.000đ/kg.

Giá heo xuất chuồng giảm kéo dài và xuống đáy sâu trong 1 thời gian dài kỉ lục đã gây ra khủng hoảng nghiêm trong cho ngành chăn nuôi VN bao gồm cả chăn nuôi và sản xuất TĂCN kéo theo thiệt hại kinh tế nhiều tỉ đô la. Bởi do thuận lợi của giá heo từ năm 2015- 2016 khiến cho sản lượng cám các Nhà máy tiêu thụ tăng vọt, tổng quan năm 2016 sản lượng cám tăng hơn 20% so với năm 2015 và tiếp tục tăng cho tới sau Tết âm lịch 2017; cùng với đó là việc các Nhà máy đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thêm nhiều nhà máy mới; đa phần đặt mục tiêu thúc đẩy sản lượng tăng tiếp 20% trong năm 2017; kèm theo đó kế hoạch mua nguyên liệu tương ứng. Việc giá giảm, người chăn nuôi thua lỗ, bỏ đàn khiến sản lượng cám tụt mạnh, không chỉ là không tăng như mong đợt, mà còn giảm sâu so với sản lượng 2016; đầu ra kém khiến nguyên liệu nhập về dư thừa, không còn chỗ chứa, nhiều đơn vị phải bán ra nguyên liệu với giá thấp hơn giá nhập khẩu. Lợn mất giá, không bán được không chỉ khiến các trang trại lỗ nặng, vỡ nợ mà kéo theo hệ thống đại lý không thu hồi được tiền cám đã bán. Việc giá tăng 2 tuần vừa qua mang lại niềm vui lớn cho người chăn nuôi.

 

 Và căn cứ theo thực tế nhu cầu TQ vẫn có do tình hình lũ lụt ở miền Trung và Nam TQ vừa qua khiến gia súc gia cầm chết nhiều, và lũ chồng lũ khiến cho việc xử lý môi trường khó thực hiện, dịch bệnh sẽ gia tăng; trong khi lượng heo cũng đã giảm khoảng 30% so với đỉnh điểm (heo trong dân vốn chiếm 80% tổng đàn đã giảm 50% và heo nhà máy tăng 50%). Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn cần phải cảnh giác một đợt khủng hoảng thừa mới và tránh tâm lí găm hàng thổi giá.

 

Và vấn đề quan trọng hơn cần đặt ra cho các Nhà quản lý, ngành chăn nuôi cần qui hoạch và định hướng lại thế nào để tránh lại tiếp diễn một cuộc khủng hoảng mới; khi mà rõ ràng người chăn nuôi vừa trải qua hơn một nửa năm cực kì đen tối, nhưng chỉ có 2 tuần giá ngóc lên đã quên hết và tiếp tục lao vào tài đàn, dù thực chất thị trường không có yếu tố mới, khủng hoảng thừa lại tiếp tục hiện hữu.

 Điều này nhìn thấy rất rõ ở giá con giống, từ mức 1.500.000 – 1.700.000đ/con thời điểm gần Tết 2017, rớt về 100.000 – 200.000 và chỉ trong 2 tuần vừa qua đã lại tăng trở lại mức 1.000.000 – 1.500.000đ/con (chi phí sx khoảng 400.000đ/con 7 – 10kg).

 

Và xa hơn nữa, các Nhà quản lý cần tìm ra chính sách để ổn định thị trường xuất khẩu heo, tránh quá lệ thuộc vào việc đóng mở biên giới với TQ. 

Nguồn : Mr Lê Thành Long – Công ty TNHH TMVT Trung Thành

Trả lời