Giá lợn ( heo) hôm nay 10/08
Giá lợn hôm nay 10.8 tại một số địa phương dao động trong khoảng 30.000 – 33.000 đồng/kg. Trong bối cảnh giá lợn hơi có xu hướng giảm, các nông hộ nhỏ lẻ đang chật vật tìm cách duy trì nghề nuôi lợn và cạnh tranh với các “ông lớn” bằng cách chủ động nguồn thức ăn, liên kết sản xuất sạch để đảm bảo lợi nhuận…
Giá lợn hôm nay 10.8 tại nhiều tỉnh, thành đang giao dịch trong khoảng 30.000 – 32.000 đồng/kg. Ảnh: T.Q
Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAHP là giải pháp đang được nhiều tỉnh thành triển khai. Quá trình thực hiện tuy còn dang dở nhưng đây vẫn được coi là con đường hướng đến bền vững trong chăn nuôi.
Trăn trở bài toán đầu vào
Không muốn phụ thuộc giá cả thị trường, ông Tư Hải (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) đã liên kết với Công ty C.P Việt Nam chăn nuôi theo hướng VietGAHP. Ông Hải cho rằng chăn nuôi theo cách truyền thống luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, tuy nhiên chăn nuôi theo hướng hiện đại thì nguồn vốn đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín khá tốn kém, không phải ai cũng kham nổi.
Tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), ông Trần Quang Mậu kể, bản thân ngày trước gia đình ông cũng từng nuôi gia công cho công ty. Người nuôi không phải lo về thức ăn, con giống, dịch bệnh nhưng thực chất cũng chỉ là lấy công làm lời, còn khấu hao chi phí chuồng trại phải tự mình bỏ ra.
Sau một thời gian, chuồng trại xuống cấp, bắt đầu ủ mầm bệnh thì công ty khó tái ký hợp đồng. Hoặc lúc thị trường được giá, nhiều người tiếc sao không tự nuôi cho chủ động. Vì thế, tham gia Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi Lifsap mà tỉnh Đồng Nai đang thí điểm là lựa chọn tiếp theo của ông Mậu.
Theo đó, từng hộ thành viên sẽ liên kết lại trong một tổ để chăn nuôi theo quy trình được cơ quan chức năng hướng dẫn và kiểm soát. Tới nay, dù giá lợn sạch vẫn ngang bằng giá lợn trôi nổi, ông Mậu vẫn quyết tâm theo đuổi vừa chờ đợi tín hiệu khả quan.
Giá lợn hơi tại một số tỉnh miền Bắc đã giảm xuống còn 29.000 – 32.000 đồng/kg. Ảnh: T.Q
“Muốn duy trì chăn nuôi thì phải hạ giá thành sản xuất, truy xuất được nguồn gốc con lợn. Và quan trọng hơn hết là giá thu mua phải chênh lệch với giá lợn chưa được chứng nhận để nông dân yên tâm sản xuất”, ông Mậu nói.
Theo phân tích của ông Mậu, việc đầu tiên là phải có kế hoạch cung cấp thức ăn với giá thành thấp, giảm bớt lệ thuộc vào giá cám của công ty. Khi tự trộn hoặc tận dụng được nguồn thực phẩm ngay tại địa phương như lúa, bắp, khoai mì thì chỉ cần mua thêm một số nguyên liệu phối trộn như bột cá, bột đậu nành hoặc protein tổng hợp.
Cùng với việc nắm bắt kỹ thuật, đảm bảo tiêm phòng, an toàn dịch tễ, nông dân sẽ đảm bảo được số lượng xuất chuồng chứ không bệnh, chết giữa chừng làm hao hụt đầu con. Kèm theo đó là môi trường không ô nhiễm, không lây lan dịch bệnh. Người bán thịt cũng an tâm vì miếng thịt có lý lịch đường hoàng.
Một chuồng trại chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAHP. Ảnh: Nguyên Vỹ
Băn khoăn giá cả đầu ra
Ông Trần Đức Vang, hộ chăn nuôi ở Long Khánh (Đồng Nai) thì nhấn mạnh đến việc người thu mua phải cùng chia sẻ lợi nhuận với người chăn nuôi. Khi giá lợn VietGAHP chênh lệch hợp lý giá lợn thường, người nuôi sẽ yên tâm sản xuất, thương lái sẽ có nguồn hàng ổn định, người tiêu dùng cũng an tâm.
“Khâu chăn nuôi của nông hộ sẽ gắn liền bộ phận cung cấp nguyên liệu đầu vào. Với thương lái và lò giết mổ thì có lực lượng quản lý thị trường, chi cục thú y kiểm soát. Miếng thịt đến tay người bán lẻ thì có đủ giấy tờ, thông tin truy xuất. Khi khép kín được vòng tròn này thì không lo sợ thị trường bị phá bĩnh hay biến động bất thường”, ông Vang giải thích.
Theo ông Phan Đức Minh, khi thương lái bán lợn bẩn, bị xử phạt nhiều lần thì cũng phải đi tìm nguồn lợn sạch. Lời ít mà chắc, còn hơn lỗ. Giá thu mua lợn sạch mà nhỉnh hơn thì những người nuôi lem nhem cũng phải nghỉ do áp lực giá, không cần ai ép. Từ đó sẽ ổn định lại mức cung cấp ra thị trường.
Để thu lợi nhuận và cạnh tranh được với các công ty chăn nuôi lớn, các nông hộ buộc phải thay đổi cách sản xuất, chủ động nguồn thức ăn và liên kết lẫn nhau. Ảnh minh họa
Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Trung, tổ trưởng tổ chăn nuôi VietGAHP ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho rằng tâm lý người dân chỉ muốn giá ổn định, đảm bảo có lời dù ít. Để tránh rủi ro, nông hộ không cần nuôi nhiều mà chỉ cung cấp đủ số lượng đã ấn định, thêm phần ít để dự phòng. Những người không còn sức lao động ở xí nghiệp hoặc làm ruộng vẫn có thể ổn định cuộc sống từ việc nuôi mấy chục con lợn.
Mục đích thí điểm là tạo vết dầu loang để người kế bên làm theo. Khi lợi nhuận đảm bảo, chỉ những người sống chết với nghề mới bắt buộc tuân thủ và bảo vệ công việc, không thể chụp giật, nay nuôi mai nghỉ. Nhà nước cũng dễ quản lý từ chất lượng đến số lượng thông qua hợp đồng.
“Với doanh nghiệp thu mua, số lượng nuôi sẽ ổn định trong nửa năm nhưng giá cả hợp đồng có thể ký thay đổi trong từng tháng để thích ứng với biến động. Khi thị trường ổn định, người chăn nuôi không phải phập phồng giá lên xuống bất chợt; tạo đà nhân rộng các dự án cánh đồng lớn hay các hộ nhỏ lẻ liên kết lại, không manh mún nhỏ lẻ nữa”.
Giá lợn hôm nay (10.8) tại một số địa phương (giá tham khảo):
Mặt hàng | Địa phương | Giá bán |
Lợn hơi siêu | Lương Sơn (Hòa Bình) | 30.000 đồng – 32.000 đồng/kg |
Lợn hơi áp siêu | Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) | 28.000 đồng – 30.000 đồng/kg |
Lợn giống siêu | Hiệp Hòa (Bắc Giang) | 450.000 đồng – 550.000 đồng/con |
Lợn hơi thường | Lạng Giang (Bắc Giang) | 26.000 đồng – 29.000 đồng/kg |
Lợn hơi siêu | Đông Anh (Hà Nội) | 31.000 đồng – 32.000 đồng/kg |
Lợn hơi siêu | Văn Giang, Văn Lâm (Hưng Yên) | 30.000 đồng – 32.000 đồng/kg |
Lợn hơi áp siêu | Quế Võ (Bắc Ninh) | 27.000 đồng – 29.000 đồng/kg |
Lợn hơi thường | Gia Bình (Bắc Ninh) | 26.000 đồng – 28.000 đồng/kg |
Lợn hơi siêu | Bình Lục (Hà Nam) | 30.000 đồng – 32.000 đồng/kg |
Lợn hơi siêu | Nghĩa Hưng (Nam Định) | 31.000 đồng – 32.000 đồng/kg |
Lợn hơi áp siêu | Yên Mô, Yên Khánh (Ninh Bình) | 31.000 đồng – 32.000 đồng/kg |
Lợn hơi siêu | Hà Tĩnh | 32.000 đồng – 33.000 đồng/kg |
Lợn hơi siêu | Xuân Lộc (Đồng Nai) | 32.000 đồng – 33.000 đồng/kg |
Bảng giá lợn (heo) hôm nay 10.8. 2017