Cần tăng cường tổ chức liên kết chuỗi trong chăn nuôi lợn là ý kiến chung của các đại biểu đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển chăn nuôi lợn. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều 29/8, tại Hà Nội.

Giá lợn giảm sâu bất thường

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, thời gian trước quý III/2016, giá lợn hơi trong nước có chịu ảnh hưởng đáng kể của thị trường Trung Quốc. Bắt đầu từ quý IV/2016, giá lợn hơi trong nước giảm thấp và giảm sâu vào quý I-II/2017. Đây là mức giảm giá bất thường và cá biệt so với thị trường thịt lợn trong khu vực và trên thế giới.

Giá lợn hơi có dấu hiệu hồi phục từ tuần đầu của tháng 5/2017, trong đó, mức giá đã tăng lên từ 5.000-7.000 đồng/kg, với mức tăng này đã giúp người chăn nuôi lợn trong nước đỡ thua thiệt từ 1.500-2.000 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, giá lợn hơi trong nước chỉ mới tăng cao trở lại ở mức mà người chăn nuôi bắt đầu hòa vốn và có lãi chút ít vào đầu tháng 7 trở lại đây, khi giá lợn hơi tiêu chuẩn đạt 36.000-38.000 đồng/kg.

Đánh giá của Cục Chăn nuôi cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm giá sâu và bất thường đối với mặt hàng thịt lợn trong nước do đàn nái tăng cao bất thường vào năm 2015 và nhất là năm 2016. Cùng với tăng năng suất chăn nuôi đã làm nguồn cung thịt lợn trong nước tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu thịt lợn của thị trường nội địa không tăng do chịu chi phối của các mặt hàng thực phẩm khác như: gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ và thủy sản. Đồng thời, xuất khẩu lợn hơi giảm đột ngột vào cuối năm 2016 và năm 2017 cũng là nguyên nhân thực tế vừa là yếu tố gây tâm lý bất ổn cho thị trường thịt lợn trong nước.

Nhận định về tình hình trên, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, nếu so với giá lợn hơi của Thái Lan và Trung Quốc và giá trung bình lợn hơi trong nước hàng năm thì người chăn nuôi lợn Việt Nam đã thua thiệt từ 15.000-25.000 đồng/kg trong thời điểm từ tháng 10/2016 đến tháng 6/2017.

Với giá lợn từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2017 thì hầu hết người chăn nuôi lợn trong nước đều thua lỗ, vì giá thành sản xuất đối với lợn thịt tiêu chuẩn trong nước hiện nay đang biến động từ 34.000-38.000 đồng/kg. So với những lần biến động giá lợn khác thì lần này là lần giảm sâu và giảm lâu nhất.

Giải pháp ổn định lâu dài

Nhằm rút kinh nghiệm công tác sản xuất ngành hàng thịt lợn trong thời gian vừa qua, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương, cần đánh giá đúng tình hình thực tế về nguồn cung và thị trường tiêu thụ mặt hàng thịt lợn, đó là cung đã vượt cầu khá lớn và thị trường tiêu thụ chính vẫn là nội địa. Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương đề nghị cần khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi gắn với thị trường và tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết, trong đó, vai trò của các doanh nghiệp kết nối đầu ra với từng phân khúc thị trường là điều rất quan trọng cho cân đối cung cầu và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian giá lợn giảm sâu, đại diện doanh nghiệp giết mổ thịt lợn Minh Anh cho biết, với việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, mặc dù giá mua không được cao nhưng đảm bảo 100% đàn lợn của bà con nông dân được công ty thu mua. Vì vậy, trong thời gian tới, để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, cần siết chặt quản lý các cơ sở giết mổ không đảm bảo, tuyên truyền vai trò của giết mổ công nghiệp, chuỗi liên kết sản xuất kín truy xuất được nguồn gốc.

 

Bên cạnh đó, việc liên kết theo chuỗi giá trị rất quan trọng, cần đề cao vai trò của doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong chuỗi, tuyên truyền cho bà con nông dân về vai trò của chuỗi. Đồng thời, đề xuất xây dựng hiệp hội sản xuất thịt lợn an toàn, trong đó, sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát việc thực thi các khâu sản xuất trong chuỗi, tránh tình trạng nếu làm không tốt dẫn đến mất niềm tin của người tiêu dùng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần nhận dạng lại ngành chăn nuôi lợn trong bối cảnh mới, đặc biệt về sức sản xuất, nhu cầu và khả năng tổ chức thị trường. Đồng thời, cơ cấu lại ngành hàng chăn nuôi lợn theo hai hướng: một là nhánh đi theo hướng công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đảm bảo điều kiện nuôi tốt về chuồng trại, con giống,…;một nhánh đẩy nhanh chăn nuôi hữu cơ theo hướng lợn đặc sản. Trong đó, việc chăn nuôi lợn cần đảm bảo phát triển bền vững về cả kinh tế, môi trường và an sinh cho các hộ chăn nuôi lợn./.