Đề xuất xăng tăng 8.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường: Không tăng sẽ thiệt
Việt Nam hiện đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do. Theo cam kết phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu. Hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường.
Tại buổi họp báo thường kỳ Quý I/2017 chiều 10/4, trước câu hỏi đặt ra của báo giới về việc tăng thuế bảo vệ môi trường, ông Phạm Đình Thi, Cục trưởng Cục chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 10/3, Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình số 78 trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Ảnh : minh họa
Dự kiến, trong tháng 4, Bộ Tài chính tiến hành lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân về dự án Luật, sẽ xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ dự án luật trong tháng 5 để Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 6. Và nếu được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thì dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm nay.
Nhấn mạnh với báo giới về lý do tại sao Bộ Tài chính lại đề xuất Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật của năm 2017 Luật thuế bảo vệ môi trường, ông Thi cho biết, thời gian gần đây, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc, hình thành các khu vực thương mại tự do, toàn cầu hoá là xu thế, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu… nên nhiều nước đã có cải cách chính sách thuế mạnh mẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng thu từ thuế như: thuế giá trị gia tăng, các khoản thuế bảo vệ môi trường, giảm dần tỷ lệ thuế được thu… từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư để bảo đảm nguồn thu bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu như vậy thì Quỹ tiền tệ Quốc tế đã khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.
“Để đảm bảo lợi ích quốc gia theo hội nhập và chủ động ứng phó với giá dầu trên thị trường thế giới thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có thuế môi trường là một trong những công cụ hiệu quả và khả thi”, ông Thi nói.
Cũng theo ông Thi, sau khi phân tích tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới, so sánh giá xăng dầu của Việt Nam với các nước trên thế giới cũng như với nước có biên giới liền kề thì thấy rằng, nếu Việt Nam không điều chỉnh thuế môi trường đối với xăng dầu, chúng ta sẽ thiệt hại cho lợi ích quốc gia, mà biểu hiện cụ thể nhất là các doanh nghiệp xăng dầu đã cùng với các đối tác xuất khẩu nước ngoài đã rục rịch điều chỉnh giá xăng dầu.
“Việt Nam hiện đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, mà theo cam kết thì Việt Nam phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu. Hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường”, ông Thi nói.
Và khung thuế đối với xăng dầu sẽ tăng từ mức tối thiểu 1.000 đồng/lít và tối đa 4.000/lít lên mức tối thiểu 3.000 đồng/lít và tối đa 8.000 đồng/lít mà Bộ Tài chính đề ra để áp dụng cho lộ trình dài, ông Thi khẳng định, sẽ không tác động gì tới doanh nghiệp, chưa tác động gì đến giá cả xăng dầu mà chỉ khi đề xuất cụ thể thì mới có tác động và khi đó sẽ phải đánh giá cụ thể về tác động sản xuất kinh doanh…
Cũng trong buổi họp báo, trả lời thắc mắc của báo giới về việc chi thuế bảo vệ môi trường – đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo Luật ngân sách nhà nước thì thuế bảo vệ môi trường là khoản thu ngân sách nhà nước và được chi theo Luật ngân sách nhà nước.
“Chi cho các dự án như dự án xử lý nước thải… thì cũng là bảo vệ môi trường. Hay chi cho các dự án giao thông để có đường nhựa tốt, thay vì đường đất bụi mù thì cũng là bảo vệ môi trường… Tất nhiên, đối với kinh phí cho bảo vệ môi trường thì vẫn phải đảm bảo chi theo nhiệm vụ. Chúng ta luôn thực hiện theo Luật ngân sách nhà nước”, ông Thi cho hay.
Trước đó, Bộ Tài chính có dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đề cập tới việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, gồm mức thuế tối thiểu bằng mức thuế đang áp dụng và mức tối đa bằng 2 lần khung thuế hiện hành. Riêng khung thuế dầu hỏa sẽ được giữ nguyên.
Cụ thể, khung thuế đối với xăng dầu sẽ tăng từ mức tối thiểu 1.000 đồng/lít và tối đa 4.000/lít lên mức tối thiểu 3.000 đồng/lít và tối đa 8.000 đồng/lít.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều bộ, ngành đã có ý kiến phản hồi cho rằng, Bộ Tài chính nên cân nhắc về lộ trình thực hiện nâng mức thuế đối với xăng dầu bởi thời điểm này doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc tăng thuế đối với xăng dầu cũng sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế./.
Hà Giang