Về đầu trang

Xăng gánh 8.000đ thuế môi trường: Doanh nghiệp hỏi khó

Posted by admin

Hiện nay doanh nghiệp vận tải phải chịu quá nhiều khoản phí từ phí đường, phí bảo trì đường bộ, phí BOT. Các khoản phí chồng chéo, không rõ ràng.

Nỗ lo phí chồng phí

Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh vấn đề tăng khung thuế môi trường với một số mặt hàng xăng dầu tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường lên mức tối đa 8.000 đồng/lít, trao đổi với Đất Việt ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch hiệp hội vận tải Đà Nẵng bày tỏ nhiều băn khoăn, trăn trở.

Theo ông Hiệp, hiện nay khung thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng đang được quy định ở mức  từ 1.000 – 4.000 đồng/lít. Nếu theo dự thảo mới tăng lên đến mức 8.000 đồng/lít thì hoạt động vận tải của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị tác động rất lớn.

“Thuế môi trường đối với xăng tăng lên cao đồng nghĩa với việc chi phí vận tải hàng hóa sẽ tăng lên. Những biến động về thuế sẽ khiến cước vận tải tăng lên và người dân sẽ bị tác động chủ yếu. Hơn nữa phí vận tải hiện nay cũng chiếm tới 60 % chi phí đi lại của doanh nghiệp.

Ngoài các khoản phí xăng dầu thì người dân có phải đóng thêm phí bảo trì đường bộ, phí BOT cùng rất nhiều khoản phí khác. Nếu cứ tiếp tục tăng lên cao, tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và không thu được tiền từ khách hàng. Nhiều đơn vị sẽ bị mất vốn, thâu tóm hoặc bán đi, thậm chí phá sản”, ông Hiệp cảnh báo.

Các doanh nghiệp vận tải chưa đồng tình với việc tăng thuế môi trường với xăng lên 8.000 đồng/lít

Chủ tịch hiệp hội vận tải Đà Nẵng thừa nhận ở các quốc gia khác trên thế giới cũng triển khai việc thu thuế môi trường với xăng dầu và ở mức khá cao. Tuy nhiên tại những nước này, phí công khai và hết sức rõ ràng, không hề có hiện tượng phí chồng phí như ở Việt Nam.

Dẫn chứng thực tế 2 quốc gia trong khu vực là Thái Lan, Malaysia, ông Hiệp khẳng định tính chất BOT tại  những nước này rất rõ ràng.  Người dân có quyền lựa chọn. Nếu muốn đi nhanh hơn, không bị kẹt xe thì đóng phí để sử dụng đường BOT. Còn nếu không thì người tham gia giao thông hoàn toàn có thể đi đường quốc gia và không phải đóng phí.

Trong khi đó, tại Việt Nam ông Hiệp khẳng định nhiều địa phương trạm BOT đặt không hợp lý. Luật đưa ra là trạm cách trạm không quá 70 km. Nhưng trên thực tế nhiều trạm khoảng cách chưa đến 30 km.

Có những trạm thu dân không đi qua đó, chẳng hạn như trạm ở phía Bắc đèo Hải Vân, trạm BOT cầu Bến Thủy… nhưng vẫn phải trả phí. 

“Doanh nghiệp vận tải rất ủng hộ chủ trương xã hội hóa BOT nhưng phải hợp lý. Rõ ràng người dân đã trả phí bảo trì đường bộ trên toàn hệ thống đường tuy nhiên nhiều nơi vẫn cắt đoạn ra để làm BOT. Ở đây phần thu BOT thể hiện sự chồng phí.

Hơn nữa, việc tăng thuế môi trường với xăng nhưng khoản phí đó có hoàn toàn dành cho môi trường hay không? Việc này cũng cần làm rõ. Nếu thu phí môi trường với xăng thì những sản phẩm khác, chẳng hạn như hóa chất có bị tính thuế như thế không? Việc này nếu không làm cặn kẽ có thể tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh”, ông Hiệp khẳng định.

Trước giải thích, việc tăng thuế môi trường để giá xăng của Việt Nam ngang bằng với các nước và tránh tình trạng buôn lậu qua biên giới, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng khẳng định không đồng tình với ý kiến trên.

“Tôi nghĩ cũng không hẳn hợp lý. Đây không phải là rào cản kỹ thuật để hạn chế việc xuất nhập khẩu. Chúng ta đang ở trong giai đoạn đất nước đang phát triển và các cơ quan ban ngành cứ lấy chuẩn mực ở các nước phát triển đem về áp dụng tại Việt Nam là chưa thật sự phù hợp”, ông Hiệp nêu quan điểm.

Phải có lộ trình phù hợp

Cùng nêu ý kiến, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô TP Hà Nội khẳng định, việc tăng thuế môi trường đúng với chính sách của Việt Nam và phù hợp với nghị quyết của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường mà chúng ta đã tham gia.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều loại phí đối với người tham gia giao thông, việc đưa ra một mức thuế 8.000 đồng/lít ông Liên thừa nhận sẽ tạo nên sự bất an cho người dân và hiệp hội vận tải.

“Tôi nghĩ chúng ta phải có lộ trình, chúng ta tăng dần từng năm một chứ không nên một lúc mức phí 8.000 đồng/lít.

Nếu không rõ lộ trình thì chắc chắn sẽ gây bức xúc trong dư luận. Thời gian vừa qua việc triển khai thu phí BOT tại cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 không hợp lý, tăng liên tục đã gây bức xúc cho người dân. Chúng ta phải rút kinh nghiệm việc này”, ông Liên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tich Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cũng khẳng định, việc tăng thuế môi trường với xăng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế và với thu nhập của người dân.

“Để làm được việc này tôi nghĩ cần phải có sự tuyên truyền, giải thích đến người dân để họ hiểu và tự nguyện tham gia. Bảo vệ môi trường không có nghĩa chỉ đóng thuế xăng mà còn phải nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người dân. Tôi vừa đi Nhật Bản và thấy mọi thứ đều rất văn minh.

Người dân lên ô tô đều được phát túi nhựa và ni lông. Khi xuống thì họ sẽ nhặt rác còn thừa cho vào túi để đổ đúng nơi quy định. Chúng ta phải xem xét hướng đến những mục tiêu dài hạn như thế”, ông Liên nhấn mạnh.

Hoàng Hà

 

Trả lời