Chủ tịch QH không đồng ý tăng thuế MT với xăng lên 8.000 đồng
Trước những đề xuất tăng gấp đôi khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu lên 8.000 đồng/lít chưa nhận được sự nhất trí từ cơ quan thường trực của Quốc hội.
Đề xuất tăng thuế tăng thuế môi trường với xăng lên 8.000 đồng chưa được Quốc hội đồng ý (ảnh IT)
Hôm qua, 13.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, khung thuế mới được Chính phủ đề xuất với mặt hàng xăng là 3.000 – 8.000 đồng (tối thiểu – tối đa) một lít, thay vì 1.000 – 4.000 đồng hiện nay. Mặt hàng túi ni lông cũng được đề nghị điều chỉnh lên mức 40.000 – 200.000 đồng một kg, thay vì mức 30.000 – 50.000 đồng một kg hiện hành.
Cho ý kiến về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Trong tình tình kinh tế đất nước hiện nay thì việc tăng thuế suất nhìn chung là không thuận. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, quan điểm của cơ quan soạn thảo và thẩm tra lại cách xa nhau. Bà Ngân cũng nhắc lại quan điểm hạn chế tăng các loại thuế, phí của Thủ tướng trong thời điểm hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với mặt hàng xăng thì khung thuế suất hiện hành cũng chưa áp dụng mức tối đa (4.000 đồng một lít), nên việc đề nghị tăng khung thuế mới cần được cân nhắc.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, ngân sách nhà nước tăng lên từ nguồn này sẽ được dùng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, trong đó có chi cho bảo vệ môi trường, đồng thời vẫn bảo đảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, các sản phẩm chủ yếu của Việt Nam.
Chính phủ cũng khẳng định việc sửa đổi luật lần này cũng hướng đến việc nâng cao hơn trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cho rằng, giải trình của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng “có lý, nhưng cái lý của Bộ trưởng chưa thuyết phục được Thường vụ”.
Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm, việc cơ quan soạn thảo so sánh tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của Việt Nam với một số nước đang ở mức thấp (37,49% đối với xăng) để làm căn cứ điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường là chưa phù hợp với thực tế thu nhập của người dân. Vì thế khiến chi phí cho xăng, dầu so với thu nhập của người dân Việt Nam chiếm tỷ trọng rất cao.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng chưa làm rõ được lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu và số giảm thu ngân sách từ các mặt hàng này; cũng như chưa có đánh giá tác động nếu thuế môi trường tăng lên kịch trần thì thu ngân sách sẽ tăng bao nhiêu, đời sống người dân thế nào?
“Các số liệu phân tích, chứng minh việc nâng mức trần khung đối với xăng, dầu trong khung thuế hiện hành, mà đề xuất cơ sở tăng thuế theo định tính là chưa thực sự thuyết phục. Do đó, đề nghị nâng mức trần khung thuế môi trường với xăng, dầu lên gấp 2 lần như dự thảo luật là chưa thực sự phù hợp”, báo cáo thẩm tra của cơ quan thường trực Quốc hội nêu.