Hiệp hội tính kiện Hải Phòng vì thu phí cảng biển
Đại diện một số hiệp hội tính tới phương án nộp đơn kiện HĐND TP Hải Phòng vì quyết định thu phí hạ tầng…
Nhiều hiệp hội không đồng tình với việc thu phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng
Trong cuộc họp nhóm giữa đại diện Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) với các hiệp hội diễn ra chiều 13/2, đại diện một số hiệp hội đã tính tới phương án nộp đơn kiện HĐND TP Hải Phòng vì quyết định thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/1/2017.
Phương án khởi kiện đã được tính tới
Có mặt tại cuộc họp nhóm chiều qua, ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cho hay: “Chúng tôi tính toán, 1 lần làm (thủ tục nộp phí cảng biển – PV) mất 90 phút. Khi lấy được giấy tờ nộp ra thông quan thì đến giờ nghỉ, hàng hóa đó phải để trong kho mai làm thủ tục. Riêng khoản lưu kho đã… làm tăng chi phí của doanh nghiệp”.
“Từ thông tin các hiệp hội cung cấp, chúng tôi có một nhóm chuyên gia ngồi tính toán, năm 2017, Hải Phòng dự kiến thu 1.500 tỷ đồng, nhưng theo tính toán sơ bộ từ chính Bộ GTVT thì phải trên 2.300 tỷ đồng chưa kể một loạt các chi phí như: Thủ tục hành chính, chi phí lưu kho bãi, chi phí về việc chậm hàng, vay lãi ngân hàng… Các chuyên gia cho rằng, phải cộng 15,2 triệu USD/năm và còn rất nhiều chi phí không lượng hóa được do chậm đơn hàng”. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy |
Cũng theo ông Tương, các nhà xuất nhập khẩu ký kết hợp đồng với các công ty logistics để làm dịch vụ thông quan nhưng nay vì thủ tục nộp phí hạ tầng cảng biển đã làm chi phí đội lên trong khi Chính phủ đang phấn đấu giảm thời gian làm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu. “Chúng tôi chỉ thấy Hải Phòng trả lời trên báo chí nhưng trả lời không phù hợp. Đề nghị Hải Phòng trả lời chính thức các hiệp hội”, ông Tương đề nghị.
Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn đề nghị để vụ việc không bị chìm quá lâu, các hiệp hội phải khởi kiện Hải Phòng. “Trong thời buổi hiện nay, khởi kiện là chuyện bình thường”, ông Tuấn nói.
Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, đã có công văn đề nghị dừng việc thu phí nói trên. “Nếu thật sự cần thiết thu phí thì phải làm 1 cuộc điều tra phân tích rõ ràng, cần bao nhiêu chi phí để làm những công việc gì và cần thu trong bao lâu để bù đắp chi phí cho Hải Phòng”, bà Huyền phát biểu.
Đồng tình “việc thu phí này có vấn đề” nhưng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, phương án kiện sẽ làm phức tạp hóa vấn đề. “Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp “gác cổng”. Nên chăng cần có buổi làm việc giữa hai Bộ trên với các hiệp hội, họ không trả lời bằng văn bản thì đi gặp. Các doanh nghiệp Nhật Bản muốn trao đổi để hiểu thêm vấn đề xem khúc mắc ở đâu để giải quyết”, bà Huyền đặt vấn đề.
Các bên muốn Hải Phòng đánh giá tác động
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó tổng thư ký VPSF cho rằng, khi ban hành Nghị quyết 148, Hải Phòng chỉ lấy ý kiến các doanh nghiệp cảng mà không lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời không đăng tải văn bản trong 30 ngày và vi phạm Điều 3, GATT của WTO về đối xử quốc gia.
“Phí chỉ là để bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được phép chứ không phải để tăng ngân sách địa phương. Hạ tầng gồm đất cảng và nước cảng, T.Ư quản lý, thu phí cái gì, địa phương quản lý và thu gì. Phải tính nội hàm cái này rồi mới tính toán duy tu, bù đắp… Hải Phòng phải trừ ra những nội dung liên quan tới hạ tầng cảng biển do T.Ư quản lý để tránh phí chồng phí. Hai là, các đối tượng kinh doanh dịch vụ được Nhà nước cho phép. Nội dung này đã thành giá dịch vụ thì phải loại ra khỏi câu chuyện phí. Không chỉ Hải Phòng mà các địa phương đều phải làm rõ từ đầu tư, duy tu, bảo dưỡng… để thu phí chứ không phải muốn thu bao nhiêu cũng được”, bà Thủy nêu vấn đề.
Bà Thủy cho hay, các doanh nghiệp đều phản ánh rằng, các hợp đồng đã ký kết ngắn là 1 năm, dài thì 3 năm hay 5 năm nên vì vấn đề phí mà đàm phán lại với đối tác rất khó hay chuyển hướng kinh doanh cũng rất khó khăn. Đại diện VPSF dẫn một tính toán rằng, câu chuyện thu phí này sẽ dẫn tới chi phí của doanh nghiêp gia tăng, khi đó lợi nhuận giảm và khoản thuế doanh nghiệp nộp vào ngân sách cũng giảm theo. “Khoảng 20% ngân sách T.Ư sẽ bị cắt giảm nên như thế có còn là câu chuyện của địa phương nữa hay không?”, bà Thủy đặt câu hỏi.