Minh bạch BOT giao thông để chặn tham nhũng
28
Th10
Trước những lùm xùm của các dự án BOT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14, về giải pháp chính sách với các dự án đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức này.
Nghị quyết khẳng định, chủ trương huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức hợp đồng BOT trong đầu tư, khai thác các công trình giao thông là chủ trương đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách của Nhà nước. Tuy nhiên, để hạn chế những tồn tại, bất cập gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Tuyệt đối chấm dứt chỉ định thầu
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải, một chuyên gia có kinh nghiệm hơn 40 năm nghiên cứu về giao thông ở Việt Nam bày tỏ sự đồng tình cao đối với những quy định mới trong Nghị quyết 437 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua. TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết: “Cách đây mấy năm, tôi là người đầu tiên đề xuất việc các dự án đầu tư BOT bắt buộc phải thông qua Quốc hội. Phải đánh giá cụ thể tuyến đường nào được làm BOT, mức độ đầu tư như thế nào, hay là những quy chế, chế tài, quy định để thực hiện cho BOT cũng phải được Quốc hội thông qua chứ không được làm tùy tiện”.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc đấu thầu các dự án BOT bằng hình thức chỉ định thầu dễ gây lợi ích nhóm, tăng vống chi phí, từ đó phải phụ thuộc vào nhà đầu tư. “Dứt khoát BOT là phải đấu thầu chứ không có chuyện đi cửa sau để xin chỉ định trúng thầu đâu. Tất nhiên là chế tài, quy định về đấu thầu phải minh bạch, rõ ràng, khoa học, thực tiễn. Không được lấy chi phí rẻ là tiêu chuẩn cao nhất. Ngoài ra là yếu tố công nghệ, minh bạch và phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, xác định địa điểm đặt, khoảng cách các trạm BOT. Tuyến đường nào làm BOT cũng phải có hội đồng thông qua đánh giá một cách khoa học, hợp lý, không phải tùy tiện như hiện nay”- TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
BOT là phải làm đường mới
Đối với quy định đầu tư dự án BOT cần phải thực hiện ở các tuyến đường mới, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, TS Nguyễn Xuân Thủy đánh giá đây là quy định rất đúng đắn và sát với thực tế tại nhiều dự án BOT hiện nay: “Cái này là rất cần thiết để tránh việc nhiều nhà đầu tư xin dự án cải tạo, nâng cấp đường nhưng thực tế chỉ làm cho có để thu tiền của dân”.
Theo các chuyên gia giao thông, bên cạnh quy định trên cần có một số quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể khác để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên, từ người dân, DN và Nhà nước. Ngoài quy định này, trên một hướng đi, phải có hai tuyến trở lên mới được làm BOT. “Một tuyến người dân được đi tự do, không phải mất tiền hoặc mức tiền rất thấp, còn tuyến còn lại là tuyến cao tốc, dành cho việc thu phí những phương tiện giao thông khác”- TS Nguyễn Xuân Thủy nói và lý giải, việc quy định cụ thể như trên sẽ tránh được tình trạng phí chồng phí, người dân nhiều nơi cứ ra đường là phải mất thêm tiền.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đánh giá, quy định mới sẽ giúp cho các nhà quản lý có được cơ sở đánh giá một cách chính xác mức đầu tư của DN đối với từng dự án BOT, tránh tình trạng DN đưa ra mức thu phí cao hơn mức đầu tư thực tế. Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, 8 nhiệm vụ, giải pháp mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra trong Nghị quyết 437 vừa qua có thể coi là những biện pháp rất sát sườn, cụ thể giúp siết chặt công tác quản lý trong đầu tư các dự án BOT. “Siết chặt nhưng không có nghĩa là đóng cửa, siết chặt là để quản lý tốt hơn, tạo hiệu quả cao hơn” – PGS.TS Bùi Thị An khẳng định.
Đối với những dự án BOT đã thông qua từ trước thời điểm Nghị quyết 437 của Quốc hội, Bộ GTVT cũng cần linh hoạt, xem xét từng dự án cụ thể để quyết định triển khai tiếp hay dừng lại. Không nên dừng lại tất cả để làm theo quy định mới trong Nghị quyết, sẽ gây ra chi phí rất lớn và gây khó khăn cho nhà đầu tư. Nếu các dự án sai hoàn toàn phải dừng ngay. Xem xét về khoảng cách đặt trạm BOT, về mức phí như thế nào, phải áp dụng theo mức phí mới của Bộ GTVT, tức là giảm 20 – 30% so với mức hiện nay, rồi quy định phải sử dụng hình thức thu phí không dừng.
Chúng tôi cho rằng những giải pháp mà Quốc hội yêu cầu với các dự án BOT là rất phù hợp. Tổ chức đấu thầu công khai đã được quy định thành luật. Đã đấu thầu là phải đấu thầu công khai, không thể có chuyện chỉ định thầu. Còn việc quy định đầu tư BOT phải thực hiện đối với những dự án mới cũng đã được quy định trong các văn bản pháp luật. |