Giá lợn hơi giảm sâu vào giữa năm do nguồn cung quá dư thừa
Theo đó, trong tháng 12/2017 giá các loại thực phẩm tươi sống tương đối ổn định so với tháng 11/2017 do nhu cầu thị trường không có nhiều biến động. Cụ thể: Thịt lợn hơi tại miền Bắc giá phổ biến từ 29.000 đồng đến 33.000 đ/kg. Tại miền Nam giá phổ biến từ 27.000 – 33.000 đ/kg.
Thịt lợn mông sấn tại miền Bắc có giá từ 75.000 – 80.000 đ/kg, tại miền Nam có giá từ 70.000 – 80.000 đ/kg.
Đánh giá tình hình chung trong năm 2017
Trong quý I/2017 mặc dù có tháng Tết, nhu cầu tăng cao hơn so với ngày thường, nhưng do nguồn cung luôn được ổn định nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Giá các loại rau củ quả và thực phẩm tươi sống hầu hết tăng theo quy luật thông thường. Sau Tết Nguyên đán giá các loại thực phẩm đã ổn định trở lại do thời tiết thuận lợi, nhu cầu giảm.
Đáng chú ý từ tháng 4/2017 giá lợn hơi bắt đầu giảm sâu do nguồn cung trong nước quá dư thừa, trong khi đầu ra tiêu thụ không chủ động được thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Do tác động của giá lợn hơi giảm mạnh, giá thịt lợn bán lẻ tại một số chợ dân sinh và các siêu thị có điều chỉnh giảm nhưng mức giảm chưa tương ứng với việc giảm giá lợn hơi.
Trước tình trạng đó các Bộ, ngành, phương tiện truyền thông đã có phản ánh và giải pháp nên giá thịt heo tại các siêu thị đã giảm bớt chênh lệch so với giá lợn hơi. Hệ thống siêu thị Vissan, Coop mart,… đã giảm giá bán 5 -10%, có mặt hàng giảm 20% để kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời giữ nguyên giá thu mua để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.
So với cùng kì năm trước, giá lợn hơi thấp hơn 48% – 52%, giá thịt mông sấn giảm 20-27%. Từ tháng 5/2017 giá lợn hơi đã có dấu hiệu tăng, tuy nhiên mức tăng chưa đều, đến hết tháng 12/2017 đã ổn định trở lại. Dự báo trong thời gian tới giá các mặt hàng tươi sống ổn định.
Giá lợn hơi chưa tăng nhưng vẫn có 500.000 hộ chăn nuôi sẵn sàng tham gia nuôi khi được giá
Theo Cục Chăn nuôi, hiện nước ta có đàn lợn khoảng 29 triệu con, đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 ở châu Á, nằm trong top 15 nước có đàn lợn lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn; giai đoạn 2007 – 2017 đạt 0,91%/năm. Sản lượng thịt lợn trong năm 2016 đã đạt mức kỷ lục với 3,36 tấn, tăng 5% so với năm 2015 và đứng thứ 7 trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Braxin và Nga.
Hiện tại, ước tính có 3 triệu cơ sở chăn nuôi lợn trên cả nước và khoảng 500.000 hộ chăn nuôi sẵn sàng tham gia nuôi khi lợn được giá.
Ngành chăn nuôi tăng trưởng 3,05% trong năm qua
Tại hội nghị chỉ đạo điều hành năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018, Cục chăn nuôi cho biết: Trong năm 2017, giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 230 ngàn tỷ đồng theo giá cố định năm 2010 (khoảng 10,25 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng cùng kỳ so với năm 2016 đạt khoảng 3,05%.
Riêng ngành chăn nuôi lợn trong 5 tháng đầu năm 2017, chăn nuôi lợn còn gặp nhiều khó khăn do giá cả liên quan tới giá thành chăn nuôi lợn xuống thấp dưới giá thành, nguồn cung nhiều hơn cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, sau khi các cấp Bộ, ngành đồng loạt triển khai các nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng nhằm ổn định chăn nuôi lợn, giá thị trường, giá thịt lợn đã ngăn được đà giảm đàn và ổn định suốt các tháng tiếp theo, đàn lợn cũng được duy trì (cả nước đã loại thải gần 500 ngàn lợn nái, tương đương với 10,28%).
Sang quý 4/2017, đàn lợn nái dã phục hồi do các địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi đã ổn định đàn lợn nái, nguồn cung con giống cho hoạt động sản xuất chăn nuôi tăng lên, chuẩn bị cho nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong nước các tháng cuối năm và dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán 2018.
Việt Nam sẽ xuất khẩu lô thịt lợn đầu tiên trong năm 2018
Trong buổi “Diễn đàn xúc tiến thịt lợn xuất khẩu Việt Nam” do Bộ NNPTNT tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Cơ hội sản phẩm chăn nuôi của chúng ta xuất khẩu đã đến. Chúng ta đã kí hiệp định thương mại AFTA với 12 nước, đây là điều kiện thuận lợi để có thể xuất khẩu được thịt lợn trong thời gian tới”.
Cũng chia sẻ tại diễn đàn, một doanh nghiệp cho biết họ đã kí kết đơn hàng và trong năm 2018 sẽ xuất khoảng 2.000 tấn thịt lợn đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc.
Giá lợn hơi có thể tăng nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu lợn Việt Nam qua đường chính ngạch
Trong Kỳ họp lần thứ 10 của Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc diễn ra từ ngày 27 đến 29/9, Thứ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh đã tiếp Đoàn đại biểu Bộ Thương mại Trung Quốc do Thứ trưởng Cao Yến dẫn đầu.
Nếu được xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc giá lợn hơi Việt Nam có thể phục hồi.
Trong kỳ họp, phía Trung Quốc đồng ý tích cực phối hợp trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế cảnh báo sớm để đảm bảo an toàn chất lượng, vệ sinh thực phẩm và tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu gạo và lợn hơi sang Trung Quốc.
Trước đó, Bộ NN&PTNT cho biết Trung Quốc đã ghi nhận đưa vào chương trình đàm phán và hoàn thiện phương thức quản lý giám sát để các sản phẩm chăn nuôi tươi sống của Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường này bằng con đường chính ngạch, trước mắt là qua tỉnh Quảng Tây.
Nếu lợn hơi Việt Nam có thể được xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc thì đây sẽ là động lực lớn để ngành chăn nuôi phục hồi sau một thời gian dài rơi vào khủng hoảng thừa, khiến giá rớt thảm hại.