Về đầu trang

Cần cú hích cơ chế để ngăn chi phí logistics cao vọt

Posted by admin
Category:

Để kéo giảm chi phí logistics đến năm 2020 xuống mức 16-20% GDP như mục tiêu của Chính phủ, ngoài tháo gỡ về cơ chế chính sách, việc tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông hiện đại được xem là giải pháp “đòn bẩy”.

Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM chia sẻ, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài trên các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái thời gian qua phản ánh hiện trạng chất lượng logistics tại TP.HCM kém hiệu quả.

Thành phố đã đầu tư xây dựng 2 cảng Cát Lái và Hiệp Phước, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chẳng những chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa mà còn gây ách tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước nên lượng hàng hóa về chưa nhiều.

Cảng biển là mắt xích trung tâm để kết nối các phương thức vận tải

“Hệ thống hạ tầng giao thông vẫn là “nút thắt” lớn cần được đầu tư, tháo gỡ. Đơn cử như vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có 40km đường cao tốc, nhiều tuyến quốc lộ chiều rộng không đồng bộ với cầu tạo sự tắc nghẽn giao thông”, ông Quản nói.

Liên quan trực tiếp đến cảng biển, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó tổng giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, cảng biển là mắt xích trung tâm để kết nối các phương thức vận tải.

Tuy nhiên, việc kết nối giữa cảng nước sâu tại Cái Mép – Thị Vải với các mắt xích khác chưa thật sự hiệu quả, tính liên kết vùng còn yếu kém, hàng xuất khẩu đi châu Âu vẫn chủ yếu tập kết tại các cảng khu vực TP.HCM để trung chuyển đến các cảng ở Singapore, Malaysia bằng tàu gom hàng. Hàng hóa hiện đang được kết nối với cảng chủ yếu qua hai phương thức vận tải thủy nội địa chiếm khoảng 90% sản lượng và 15% vận tải bằng đường bộ.

“Bộ GTVT đang tiến hành rà soát tất cả các hình thức, phương tiện GTVT; hệ thống kho bãi… để từ đó xây dựng dữ liệu vận tải và kho vận. Cùng đó, Bộ cũng hỗ trợ trao đổi dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giúp các phương thức vận tải kết nối với nhau nhanh chóng, hạn chế tối đa phương tiện vận tải chiều về không có hàng hóa, đồng thời kết nối giao thông đường sắt với các cảng biển, khu công nghiệp lớn.”

Ông Trần Bảo Ngọc
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT)

Đánh giá về thực trạng này, ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN nhìn nhận, tiềm năng tăng trưởng logistics của Việt Nam đang bị hạn chế bởi hạ tầng và kết nối giao thông yếu kém. Ông Tương cho rằng, nhiều trục trên đường bộ nối đến cảng bị hạn chế tải trọng, chưa nâng cấp ảnh hưởng đến việc đưa hàng container giữa các cảng và khu công nghiệp, không theo chuẩn quốc tế để đảm bảo cho việc kết nối vận tải đa phương thức.

Cụ thể hơn, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hiện còn nhiều tuyến quốc lộ chưa vào chuẩn cấp kỹ thuật quốc gia và khu vực, nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, năng lực kết nối mạng lưới và kết nối khu vực còn hạn chế. “Nhu cầu đầu tư nâng cấp cải tạo chuẩn hóa mạng lưới còn nhiều, trong khi khả năng cân đối nguồn lực, bố trí ngân sách Nhà nước, huy động đầu tư xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn”, bà Hiền nói.

Kêu gọi nhà đầu tư và tín dụng nước ngoài

Quyết định số 200/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, đến năm 2025 đặt mục tiêu Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực. Chính phủ hướng đến việc tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt từ 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.

Các chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu trên, ngoài việc tháo gỡ về cơ chế chính sách, cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó, phát triển hạ tầng giao thông được xem là giải pháp “đòn bẩy”. Theo ông Nguyễn Tương, để phát huy công suất của cảng biển, cần nhanh chóng hoàn thiện đường nối với các cảng và cải thiện tuyến đường sông nhằm tạo thuận lợi cho việc chuyên chở hàng hoá vào và ra cảng.

“Dứt khoát phải quy hoạch mạng lưới đường bộ, phối hợp với đường sắt để kết nối các cảng biển chính với các khu công nghiệp và các thành phố lớn. Cần ưu tiên xây dựng các tuyến đường sắt, bởi đường sắt có năng lực chuyên chở lớn, tốc độ vận chuyển nhanh và có khả năng kết nối với các nước ASEAN; Đồng thời, đầu tư cho các tuyến vận tải ven biển vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, giảm sự tắc nghẽn trên các quốc lộ”, ông Tương nói.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trước hết vẫn cần đầu tư đồng bộ các tuyến đường cao tốc, nâng cấp và mở rộng một số tuyến quốc lộ trọng yếu có nhu cầu vận tải lớn, kết nối các trung tâm kinh tế. Cùng đó là phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, cảng biển nước sâu có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Bên cạnh đó, đường sắt cần đầu tư xây dựng các nhà ga, kho bãi, khu dịch vụ.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, vấn đề vốn cho các dự án đang là bài toán nan giải đối với ngành GTVT. “Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 với tổng nhu cầu vốn đầu tư vào khoảng gần 1 triệu tỷ đồng từ vốn ngân sách và ngoài ngân sách. Trong khi nguồn lực đất nước hạn hẹp và nợ công đang ở mức cao.

Bên cạnh đó, nguồn tín dụng dài hạn trong nước ở mức thấp, dư nợ tín dụng dài hạn đang cao, việc tiếp tục huy động nguồn vốn tín dụng sẽ rất khó khăn”, ông Long nói và đề xuất: “Cần nghĩ đến kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài và huy động nguồn vốn tín dụng từ nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên có gói tín dụng dài hạn để nhà đầu tư có thể tiếp cận vay vốn và triển khai được các dự án cao tốc Bắc – Nam”.

Trả lời