Về đầu trang

BOT: Khi nào cân bằng lợi ích đôi bên?

Posted by admin
Category:

Nói quyền lợi đôi bên nhưng thật ra ai cũng biết chỉ có nhà đầu tư hưởng lợi, đó là sự bất hợp lý về mật độ đặt trạm chất lượng công trình và trên hết là khi nào người dân và doanh nghiệp vận tải mới có quyền lựa chọn hay từ chối sử dụng các công trình BOT?

Trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa trên Quốc lộ 1 đặt sai vị trí.

Một câu chuyện khá xa xôi về địa lý nhưng rất gần về bản chất. Đó là ở Mỹ, hệ thống giao thông luôn có ít nhất hai sự lựa chọn. Nếu người dân cảm thấy cần thiết có thể trả phí để được lưu thông trên những con đường BOT cực kỳ chất lượng, nếu không, họ vẫn xài đường do Chính phủ xây dựng bằng nguồn thuế.

Ở nước ta, những rắc rối mang tên BOT buộc nhà nước phải xem xét lại. Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 83/NĐ-CP yêu cầu rà soát tổng thể vị trí đặt trạm thu phí BOT; xây dựng mức phí phù hợp; đảm bảo thu phí gắn với thực tế đoạn đường được đầu tư và người dân có quyền lựa chọn sử dụng hay không sử dụng mà vẫn có thể tham gia giao thông.

Đây là giải pháp đúng đắn, mà lẽ ra nên làm từ lâu. Tất cả có chung mục đích là dung họa lợi ích giữa nhà đầu tư và khách hàng sử dụng dịch vụ, để những người “ở giữa” là cơ quan nhà nước châm dứt cơn “đau đầu” lâu nay.

Nhưng BOT ở nước ta đã án ngữ trên mọi cung đường từ Bắc vào Nam, để chuyển sang “kiểu Mỹ” có đơn giản? Về vị trí đặt trạm là bất cập thấy rõ, việc dời trạm lại động chạm đến quyền lợi nhà đầu tư, vấn đề lớn nhất là nguồn kinh phí để mua lại trạm BOT hoặc di dời!?

Cách tối ưu nhất để gỡ bỏ mọi điều tiếng cho BOT là tạo ra ít nhất hai sự lựa chọn cho người dân, tức là không làm BOT trên hạ tầng đã có như nhiều địa phương đã đồng ý cho doanh nghiệp “tút tát” lại quốc lộ 1A sau đó đặt trạm thu phí. Như vậy nếu áp dụng, nhà nước sẽ phân xử thế nào với hợp đồng đã ký với doanh nghiệp khi chưa hết thời hạn?

Để tạo ra nhiều hơn một sự lựa chọn không phải quá khó, chỉ cần nói không với những con đường đã được xây dựng bằng tiền ngân sách, nhà đầu tư muốn làm BOT chỉ có cách duy nhất là đầu tư mới hoàn toàn. Từ đó tạo ra cuộc cạnh tranh về chất lượng, vì nhà đầu tư muốn có lãi thì phải phục vụ tối đa, thậm chí phải tiếp thị chứ không còn “ngồi mát ăn bát vàng”.

Mức phí sẽ ăn khớp với chi phí thị trường, là một phần chi phí tiết kiệm được của người tham gia giao thông khi sử dụng dịch vụ tốt hơn do rút ngắn quảng đường, thời gian, nhiên liệu, khấu hao phương tiện.

Trên hết vẫn là tính minh bạch, công khai theo Luật đấu thầu. Nhưng Nghị quyết 83/NĐ-CP chỉ mong muốn “hạn chế tối đa chỉ định thầu”. Vì sao không phải là “nghiêm cấm chỉ định thầu dưới mọi hình thức”? Đây có thể sẽ là kẽ hở để tình trạng “đi đêm” trong BOT còn “đất” sống.

Đến khi nào người dân không còn bị “buộc” phải đi lại trên những con đường mang tên BOT, hay nói cách khác việc sử dụng BOT như một loại sản phẩm dịch vụ theo cơ chế thị trường thì lúc đó lợi ích đôi bên mới cân bằng.

Trả lời