Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh thương mại với Mỹ như thế nào?
Ngày 3/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định nước này “đã chuẩn bị đầy đủ” để bảo vệ lợi ích quốc gia trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Tuyên bố được đưa ra 3 ngày trước khi thuế quan của 2 bên đánh lên đối thủ bắt đầu có hiệu lực.
Ngày 6/7, Washington sẽ bắt đầu tính thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc còn Bắc Kinh cũng cam kết trả đũa tương đương. Cường quốc châu Á nhắm vào những ngành ảnh hưởng đến nông dân và các nhóm ủng hộ chính trị của Tổng thống Donald Trump.
Bình luận của ông Lục không chỉ là lời nói suông. Hàng loạt sự kiện gần đây cho thấy Bắc Kinh đang ráo riết thực hiện những bước đi cần thiết để “lâm trận”.
Tìm nguồn hàng thay thế
Từ tháng 6, Bộ Thương mại nước này thông báo sẽ giảm hoặc hủy bỏ thuế hiện hành trên hàng ngàn hàng hóa từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Sri Lanka, Bangladesh và Lào, bắt đầu từ ngày 1/7. Ví dụ, 5 nước thành viên của Hiệp định Thương mại Châu Á Thái Bình Dương (APTA) sẽ được giảm thuế nhập khẩu đậu tương.
Động thái là bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang tìm kiếm các nguồn thay thế cho hàng nhập từ Mỹ, giới chuyên gia nhận định.
Tuy nước này và các đối tác thương mại bắt đầu đàm phán thỏa thuận trước những căng thẳng gần đây, các nhà phân tích cho rằng thời điểm thông báo mang thông điệp chính trị rõ ràng: Bắc Kinh muốn “dằn mặt” Washington. Ngoài ra, quyết định cũng thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, giúp Trung Quốc củng cố vị thế trong khu vực. Điều này càng có ý nghĩa khi Mỹ đang giảm dần sự hiện diện trong khu vực từ khi ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Củng cố hệ thống tài chính
Đầu tháng này, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ đưa 700 tỷ nhân dân tệ (107 tỷ USD) vào hệ thống tài chính bằng cách giảm mức tiền gửi mà hầu hết ngân hàng thương mại được yêu cầu nắm giữ. Đây là lần giảm dự trữ thứ 3 của PBOC trong năm nay nhằm cải thiện thanh khoản thị trường và ngăn khả năng tranh chấp ảnh hưởng đến kinh tế.
Con số này vượt xa kỳ vọng 400 tỷ nhân dân tệ của thị trường. Bước đi báo hiệu một quá trình “tinh chỉnh chính sách” nhằm hỗ trợ nền kinh tế thực và ổn định thị trường tài chính, Wang Jun, kinh tế gia trưởng tại Ngân hàng Zhongyuan, nhận định.
Chính sách của PBOC sẽ có hiệu lực một ngày trước khi Mỹ và Trung Quốc nổ phát súng thuế quan. Các nhà kinh tế cũng không loại trừ khả năng Bắc Kinh tiếp tục cắt giảm dự trữ trong những tháng còn lại của năm để giữ tăng trưởng kinh tế trong một khoảng hợp lý.
Lập liên minh đối phó Mỹ
Bên cạnh những bước đi trong nước, Bắc Kinh cũng nỗ lực tìm kiếm trợ giúp trên trường quốc tế.
Cuối tháng 6, Phó thủ tướng Lưu Hạc và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc họp với Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen để tìm cách đối phó Washington. Thậm chí, Trung Quốc đề nghị mở cửa thị trường hơn nữa nếu Liên minh châu Âu (EU) đồng ý “bắt tay” đấu lại ông Trump.
Tuy EU gạt ngay ý tưởng và chỉ nói sẽ cùng Trung Quốc hành động để hiện đại hóa Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng có thể thấy Bắc Kinh sẵn sàng đánh đổi vì trận chiến này. Đồng thời, cường quốc châu Á cũng liên tục buộc tội đối thủ ở WTO, muốn dựa vào tổ chức quốc tế để ứng phó Mỹ.
Đối thủ đáng gờm
Ông Trump cần lưu ý một điều – Trung Quốc hiện không còn là nhà máy lắp ráp cho các nhà sản xuất phương Tây như trước. Với nền kinh tế khoảng 13.000 tỷ USD, Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến công nghệ kỹ thuật số. Được đánh giá như một trong những câu chuyện tăng trưởng đáng chú ý nhất lịch sử, cường quốc châu Á hoàn toàn có đủ tiềm lực để đấu với Washington.
Trung Quốc là nước mua hàng lớn nhất của Mỹ bên ngoài Bắc Mỹ, theo Hiệp hội Nhà sản xuất Quốc gia nước này. Hàng “made in China” cũng tràn ngập ở đây, khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng gấp 4 lần lên 375 tỷ USD vào năm ngoái.
Bắc Kinh cáo buộc ông Trump sử dụng các chiến thuật bắt nạt và tống tiền khi đe dọa áp thuế 450 tỷ USD hàng hóa, tương đương 90% mức nhập khẩu từ nước này vào Mỹ trong năm 2017. Quan chức và truyền thông Trung Quốc liên tục công kích Washington đang làm tổn hại đến kinh tế toàn cầu.
Ngày 4/7, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết nước này chắc chắn sẽ không “nổ súng trước” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ – nghĩa là không áp thuế trước. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố “sẽ đánh lại” nếu bị tấn công.
Hay như Hoa Xuân Oánh – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này – khẳng định hồi tháng 3, “Phía Trung Quốc không bao giờ muốn có chiến tranh thương mại với bất cứ ai, nhưng nếu bị bắt buộc, chúng tôi sẽ không lẩn tránh”.