Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Việt Nam chịu tác động 2 chiều ra sao?
Theo các chuyên gia, về lý thuyết thì các nước trong khu vực châu Á sẽ có cơ hội bù đắp vào chuỗi cung ứng hàng hóa cho Mỹ thay Trung Quốc nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Rất khó để điều này có thể xảy ra trong thời gian ngắn.
Ông Stephen Schwartz, GĐ phụ trách khu vực châu Á, Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm Fitch Ratings nhận định: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc – PV), Việt Nam và Malaixia là những nước có thể chịu ảnh hưởng lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung do đa số hàng hóa xuất đi của các nước này được Trung Quốc nhập khẩu rồi gia công bán sang Mỹ. Toàn bộ chuỗi cung ứng tại châu Á sẽ bị tổn thương.
Vậy Việt Nam, một nước có quan hệ thương mại sâu rộng với cả 2 nước Mỹ – Trung sẽ chịu tác động như thế nào? Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc được dự báo sẽ tác động tới xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam theo cả 2 chiều hướng tiêu cực và tích cực.
Tác động tích cực sẽ có nhưng không nhiều. Theo đó, cả Trung Quốc hay Mỹ đều có thể lựa chọn chuyển hướng đầu tư, sau đó xuất khẩu hàng hóa từ các nước trung gian như Việt Nam sang nước kia để không phải chịu mức áp thuế cao.
“Có khả năng đầu tư FDI của Trung Quốc và Mỹ vào Việt Nam sẽ gia tăng để thông qua Việt Nam giảm thiệt hại của cuộc chiến tranh thương mại”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài chính) nhận định.
Cũng theo TS Ánh, xu thế này đã từng xảy ra và có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Mặt khác, nâng thuế cao sẽ tạo ra lỗ hổng trong thị trường của cả Mỹ và Trung Quốc. Đó có thể là cơ hội cho các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. “Trong điều kiện doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ để xuất khẩu thì đó là lợi thế giảm giá thành xuất khẩu để cạnh tranh”, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Cụ thể, xung đột thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc “leo thang” sẽ để ngỏ cho Việt Nam cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Mỹ “cấm cửa” với hàng hóa máy móc, thiết bị điện tử, công nghệ cao của Trung Quốc nhưng nhu cầu tiêu thụ của người Mỹ vẫn còn. Mấu chốt là Việt Nam phải thay thế được một phần vào sự thiếu hụt đó. Muốn vậy, trước tiên hàng hóa Việt Nam phải bị chịu mức thuế thấp hơn hàng Trung Quốc, đồng thời hàng hóa phải thực sự có chất lượng.
Ở chiều ngược lại, theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, thành viên sáng lập Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nghiên cứu sinh tại Đại học Maastrict, Hà Lan, khi hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị áp thuế, để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ, duy trì năng suất, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Điều này tạo ra sức ép cho doanh nghiệp nội địa.
Một số chuyên gia đồng tình rằng, khi cuộc chiến tranh thương mại kéo dài, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu đi Mỹ gặp khó thì về lâu dài nhiều ngành hàng của Trung Quốc sẽ phải thu hẹp sản xuất, bán rẻ má móc, công nghệ… Lúc đó, đối tượng để Trung Quốc trút bỏ đương nhiên có Việt Nam.
Ngoài ra, quan hệ thương mại Mỹ – Trung Quốc bất ổn sẽ gây tác động mạnh tới tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và đồng USD. Tiền Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tỷ giá của hai đồng tiền này nên cũng sẽ bị tác động. TS Trần Toàn Thắng còn lưu ý: Nếu xung đột thương mại gia tăng có thể sẽ kéo theo chính sách bảo hộ của các thị trường khác cũng gia tăng. Đó là vấn đề đáng lo ngại. Bởi, bảo hộ thường có tính lan tỏa.
Hiện không ai có thể đoán chắc cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài bao lâu, cũng như tác động của nó đến các nước thứ ba. Song theo các chuyên gia, doanh nghiệp và nền kinh tế nội địa cần tỉnh táo để tận dụng được các thời cơ mà nó đem lại.