Dịch tả lợn Châu Phi: Tiêu hủy ngay, không điều trị lợn bệnh
Chưa có thuốc điều trị, gần 100% lợn nhiễm bệnh chết
Sáng 14/9, Bộ NN-PTNN tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Trung Quốc cũng đã ra thông báo có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang, với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam khẳng định, bệnh dịch tả châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Tuy nhiên, khả năng tồn tại của virus dịch tả lợn Châu Phi cao hơn nhiều so với vius gây cúm hoặc lợn tai xanh. Cụ thể, loại virus này có khả năng tồn tại trong thịt động lạnh vô thời hạn; trong sản phẩm mỡ khô 1 năm; trong máu, thịt muối, xúc xích, nội tạng 3 tháng; trong phân, đất hơn 1 tuần.
“Bản thân virus dịch tả lợn Châu Phi lây lan rất chậm trong cùng trại chăn nuôi tuy nhiên nếu đã mắc bệnh lợn sẽ chết gần như 100%. Điều này cũng có nghĩa ngay cả khi có virus bệnh xâm nhập, lợn cũng chỉ chết rải rác chứ không phải đồng loạt như những dịch bệnh khác”, vị đại diện cho hay.
Thực tế các nước đã từng có dịch cho thấy, bệnh dịch tả châu Phi lây lan chủ yếu do yếu tố con người tác động như: vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh hoặc nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác… Hơn nữa, hiện chưa có vaccine, thuốc điều trị dịch bệnh này. Vì vậy, phòng bệnh là chính. Trong trường hợp xét nghiệm mẫu, nếu phát hiện lợn mắc bệnh, hoặc nghi mắc bệnh cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan, không điều trị bệnh lợn nhiễm bệnh.
Cấm nhập khẩu cả sản phẩm từ lợn đã nấu chín
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhận định: Nguy cơ bệnh dịch từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao.
Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của người dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện tại sân bay đến của Hàn Quốc) cũng có thể đưa virus bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Do vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo, cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; thực hành chăn nuôi tốt và an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh và tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; tăng cường năng lực chẩn đoán xét nghiệm, điều tra và ứng phó dịch bệnh của các cơ quan chuyên môn thú y các cấp.
“Trong trường hợp phát hiện, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh; khoanh vùng dịch, vùng đệm; cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín ra khỏi vùng dịch; hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy. Ngoài ra, cần thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất khi phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu”, ông Tuấn chỉ đạo.
Nguồn : Copy