Thị trường heo hơi (15/9): Đà tăng có thể sớm trở lại nhờ lệnh cấm cấm nhập khẩu heo từ Ba Lan, Hungary
Giá heo hơi hôm nay trong nước tiếp tục tăng
Theo ghi nhận từ các chủ trang trại phía Bắc, giá lợn hơi hôm nay tại Hưng Yên đang dao động từ 52.000 – 54.000 đồng/kg, tăng thêm khoảng 1.000 đồng/kg so với đầu tháng 9; tương tự, tại Hải Dương giá lợn hơi siêu nạc hiện đang ở mức 52.000 – 53.000 đồng/kg, giá lợn cỏ (lợn lai) cũng duy trì ở mức 48.000 đồng/kg.
Khu vực Hà Nội, giá lợn hơi hiện khá ổn định, thương lái thu mua từ 50.000 đồng/kg đến 53.000 đồng/kg, Vĩnh Phúc dao động từ 51.000 – 53.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, một số địa phương giá lợn hơi đang có mức tăng tốt như Sơn La, Lai Châu hiện đang dao động từ 53.000 đồng/kg đến 55.000 đồng/kg. Được biết, mới đây Công ty cổ phần chăn nuôi C.P miền Bắc đã tiếp tục tăng giá bán lợn siêu tại các trang trại lên 53.500 đồng/kg. Giá bán tại C.P vẫn thường được các thương lái trên thị lấy làm giá tham chiếu để thu mua, giao dịch mặt hàng thịt lợn.
Giá heo hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên đi ngang, trung bình 51.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá heo hơi biến động nhẹ, với tỉnh Bến Tre báo tăng khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg lên 51.000 – 52.000 đồng. Trung bình toàn miền, giá heo hơi đạt 50.000 đồng/kg.
Mới đây, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký gửi Đại sứ quán Hungary và Ba Lan tại Việt Nam thông báo tạm dừng nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo ở các quốc gia này do lo ngại dịch tả heo châu Phi.
Ba Lan đã phát hiện dịch tả heo châu Phi tại 5 tỉnh kiến 315 con heo rừng và 162 con heo nuôi mắc bệnh trong tổng đàn 5.440 con; Hungary xảy ra tại hai tỉnh gây chết 17 con và tiêu huỷ 1 con heo mắc bệnh.
Thời gian áp dụng từ ngày 20/9 cho đến khi hai quốc gia này công bố an toàn dịch bệnh ASF theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay Việt Nam nhập khẩu 19.581 tấn thịt heo trị giá 22,23 triệu USD. Trong đó, Ba Lan cung cấp nhiều thịt heo cho Việt Nam nhất với 7.000 tấn, đứng thứ hai là Tây Ban Nha với 4.500 tấn.
Do đó, thời gian tới nguồn cung trong trong nước có thể giảm, có thể giúp kéo giá heo hơi tăng cao.
Dịch tả lợn sẽ tàn phá “khủng khiếp” ngành chăn nuôi
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam sáng 14/9, ông Ken Inui – chuyên gia bệnh lợn của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp quốc (FAO) cho rằng, Việt Nam đang đối diện nguy cơ cao dịch tả lợn châu Phi (ASF) xâm nhiễm.
Bệnh này không lây nhiễm và gây bệnh ở người, nhưng nếu xâm nhiễm vào Việt Nam sẽ tàn phá ngành chăn nuôi khủng khiếp. Mầm bệnh không những sẽ tiêu diệt đàn lợn mà tự chúng ta cũng phải tiêu diệt đàn lợn nhiễm bệnh này.
Ông Ken Inui cho biết, ASF xuất hiện vào năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ. May mắn một số nước đã thanh toán được dịch bệnh này, tuy nhiên, như Tây Ban Nha phải mất 30 năm mà biện pháp quan trọng nhất chính là tiêu huỷ đàn lợn.
Theo cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và FAO, tính từ đầu 8/2018 đến 10/9, Trung Quốc báo cáo có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh gồm An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang. Tổng cộng, đã có hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. Bệnh ASF tại Trung Quốc có chiều hướng lây lan dần về phía Nam (đến các tỉnh gần với biên giới Việt Nam).
Đáng nói là liên tiếp trong các ngày gần đây, tại khu vực giáp biên giới Trung Quốc thuộc huyện Hải Hà (Quảng Ninh), lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Giám sát chặt các cửa khẩu
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan, trước hết cần có thông tin chính xác kịp thời, trong đó cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực để thông báo kịp thời tới người dân.
Ngoài ra, tổ chức giám sát chặt tại các cửa khẩu khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển từ các nước có dịch. Triển khai kiểm tra giám sát tại các chợ, giám sát chặt chẽ việc buôn bán giết mổ tiêu thụ thịt lợn, các sản phẩm của lợn. Thành lập các đoàn công tác thật hiệu quả đi kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành địa phương liên quan đặt ra mục tiêu kiên quyết không để bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, tránh ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp, cũng như thu nhập và đời sống của người dân, nông dân.
Nguồn : Copy