Về đầu trang

Thị trường heo hơi hôm nay 4/10: Tranh thủ đầu cơ khi giá lợn hơi tăng

Posted by admin

Giá heo hơi đang cao nhất thế giới?

Cuối tháng 9, giá lợn hơi được các công ty như C.P, CJ, Emivest, GreenFeed… thông báo tăng thêm 500 đồng/kg, lên mức 53.500 – 55.000 đồng/kg, giá cao nhất trong vòng 2 năm qua. Không chỉ các công ty, giá lợn hơi nuôi trong dân trên cả nước cũng vọt lên mức 55.000 – 56.000 đồng/kg.

Các trang trại chăn nuôi lợn số lượng lớn cũng đang dè dặt bán ra (ảnh minh họa).

Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Hoàng Vũ – một lái lợn khu vực Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, nói giá lợn cao đi liền với khan hiếm. Nhiều tuần nay, nguồn lợn trong dân không còn nhiều như trước, giá nhảy liên tục nên thương lái thậm chí phải đặt cọc cho chủ trại 10 – 20% trước cả tháng mới có lợn. Trước đây vào trại lựa con đẹp để bắt, còn nay vì thiếu nên chủ trại yêu cầu mua xô cả đàn.

“Giá lợn cao, số lượng ít nên giờ thương lái muốn có hàng phải chuẩn bị nhiều tiền. Như tui làm mỗi ngày có 200 – 300 con mà cũng bỏ vốn gần 4 tỷ bạc “ném” vào dân mới có lợn xoay vòng” – ông Vũ nói.

Diễn biến thị trường thịt lợn tại Việt Nam, theo nhận định của giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp chăn nuôi ở Khu công nghiệp Biên Hoà (Đồng Nai) là “đang có xu hướng đến kỳ hụt nguồn cung khá nặng”. Hai năm trước, đặc biệt từ quý II/2017 đến hết quý I/2018, nhiều trại quy mô nhỏ (từ 20 con nái trở xuống) phải giảm hoặc ngưng đầu tư do giá lợn hơi xuống dưới 30.000 đồng/kg, do đó sau một năm, đây là thời điểm ảnh hưởng nặng nhất của việc thiếu hụt lợn thịt.

“Bây giờ chỉ những trại lớn hoặc các công ty chăn nuôi chuyên nghiệp mới còn nhiều lợn, trong khi số này theo thống kê của bộ NNPTNT, chỉ nắm 60 – 65% đàn lợn của cả nước. Số còn lại nuôi nhỏ lẻ trong dân còn ít lắm”- vị giám đốc nói.

Do thiếu lợn nên các công ty chăn nuôi lớn phải cắt giảm 10 – 15% lượng lợn bán ra cho khách hàng mỗi ngày. Ông Huy – thương lái ở Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, một công ty chăn nuôi ở Long An vừa cắt giảm 10% lợn giao ngày 25.9. Trước đây, trung bình mỗi ngày ông Huy đặt 200 con lợn tại trung tâm đấu giá lợn của công ty này, nhưng giờ họ chỉ giao 180 con.

Ông Dũng – thương lái ở Hoá An, Đồng Nai (chuyên đưa lợn về chợ đầu mối Tân Xuân, Hóc Môn) cũng cho hay, hầu hết các công ty đều cắt giảm sản lượng, chỉ giao lợn trọng lượng dưới 100kg, thay vì hơn 100kg như trước đây. “Có thể thị trường hút hàng, vì phải giữ mối nên các công ty không thể để lợn tăng thêm trọng lượng được” – ông Dũng giải thích thêm.

Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, với mức trung bình 2,5 USD/kg, giá lợn hơi tại Việt Nam được xác lập cao nhất thế giới. Tại các quốc gia trong khu vực, giá lợn ở Thái Lan hiện trên dưới 50 baht/kg, tương đương 35.000 – 38.000 đồng. Còn tại Campuchia, Indonesia, Malaysia… cũng chỉ quanh mức 40.000 đồng.

Giá lợn hơi tại Trung Quốc vài tuần gần đây có tăng cục bộ, lên 55.000 – 62.000 đồng, do diễn biến dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng ở vài vùng, không phổ biến cả nước như Việt Nam.

Giá lợn hơi tại các quốc gia nuôi số lượng lớn như Mỹ, trung bình 1,5 – 1,6 USD/kg, còn châu Âu từ 1,1 – 1,2 euro/kg, tương đương 32.000 – 33.000 đồng.

Tranh thủ đầu cơ

Hai tuần nay, ông Trần Quang Trung – chủ trại lợn ở Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai, ngừng bán đàn lợn 200 con, dù chúng đến tuổi xuất chuồng (95 – 100kg/con). Hỏi tại sao lợn đang có giá lại không bán, ông cười: Lo gì, giờ mà có lợn bán lúc nào chẳng được!

Thời điểm này, do nguồn cung không dồi dào, trong khi nhu cầu thị trường tăng trở lại (sau tháng cô hồn), nên ông Trung cũng như nhiều người nuôi thay vì bán lợn đến lứa, lại giữ lại “vỗ” thêm một thời gian kiếm thêm chút đỉnh.

Giá heo hơi hôm nay 4/10 đang dao động từ 50.000 – 55.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ

Ông Trung tính toán: “Con lợn 100kg, giá hiện nay là 54.000 đồng, vị chi có 5,4 triệu đồng. Nuôi thêm một ngày, tốn 31.000 – 32.000 đồng tiền cám, công chăm sóc, điện, nước; nhưng có thể tăng trọng lượng 700 – 800g, bán được 38.000 đồng, vẫn có lời 6.000 – 7.000 đồng. Nuôi một tháng lên 20kg cũng kiếm thêm được 150.000 đồng, bù lại cho hai năm thua lỗ” – ông Trung nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các tỉnh phía Nam, cũng vì do người dân giữ lợn lại nên các công ty lớn buộc phải bán lợn trọng lượng dưới 100kg/con để giữ thị trường không sốt giá. Đây cũng là cách kinh doanh khôn ngoan, vì nếu để giá heo hơi tăng quá cao, người nuôi thấy có lời lại đổ xô vào nuôi, nguồn cung dư thừa, giá giảm, chính các công ty nắm sản lượng lớn sẽ chịu thiệt nhiều nhất.

Với các tỉnh phía Bắc, lo ngại dịch tả lợn châu Phi cận kề biên giới Trung Quốc, nên người nuôi lại có tâm lý bán chạy lợn.

Theo ông Phi Long – Giám đốc Công ty chăn nuôi Long Bình (Đồng Nai), trong điều kiện nguồn cung đang có dấu hiệu hụt, chỉ có cách giữ lợn lại, nuôi tăng thêm trọng lượng mới bù đắp nhanh cho thị trường, lúc này tái đàn phải mất một năm sau mới có lợn bán. Nông dân, thay vì bán lợn 100kg, có thể nuôi lên 110 – 120kg, lúc đó sản lượng lợn hơi tăng thêm 10 – 20%.

“Tuy nhiên, nông dân găm giữ lợn phải thật tỉnh táo, nếu ai cũng đầu cơ, khi bán cùng lúc coi chừng thị trường lại dư thừa cục bộ, giá giảm” – ông Long nói.

Nguồn : Báo Dân Việt

Trả lời