Cục trưởng BVTV nói gì về văn bản tái xuất lúa mì chứa cỏ kế đồng?
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Sáng ngày 17.10, Cục đã làm việc với một số hiệp hội, các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì, chuyên gia… Sau khi lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, Cục quyết định lùi thời hạn áp dụng tái xuất lúa mì nhập khẩu có chứa cỏ dại Cirsium arvense – chưa áp dụng tái xuất từ 1.11, để doanh nghiệp và các đối tác của doanh nghiệp có thêm thời gian tìm giải pháp triệt để xử lý cỏ nhiễm Cirsium arvense”.
“Theo điều 34 của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật có thẩm quyền xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mà ở đây là lúa mì chứa cỏ Cirsium arvense bằng biện pháp: Xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ, tái xuất, tiêu hủy… Điều 44 của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch Thực vật cũng quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong hoạt động kiểm dịch thực vật là Cục Bảo vệ Thực vật”.
“Chúng tôi cũng cảm ơn Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt ngày 5.10 vừa qua, tại Hà Nội, đã tổ chức Tọa đàm “Lúa mì và chuyện nhập khẩu của doanh nghiệp Việt” với đầy đủ thành phần khách mời từ các bên gồm Cục Bảo vệ Thực vật, chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo các doanh nghiệp. Tại cuộc tọa đàm đó, đại diện Cục Bảo vệ thực vật đã ghi nhận những ý kiến tại tọa đàm để có hướng giải pháp như ngày hôm nay” – ông Hoàng Trung cho biết.
Trước đó, ngày 5.10, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Tọa đàm “Lúa mì và chuyện nhập khẩu của doanh nghiệp Việt”. Cuộc tọa đàm thu hút sự tham dự của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì, nhà khoa học. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Cục Bảo vệ thực vật. Tại tọa đàm, một số doanh nghiệp nêu ý kiến mong muốn Cục Bảo vệ gia hạn việc tái xuất những lô hàng nhiễm cỏ dại Cirsium arvense để doanh nghiệp có thêm thời gian và giải pháp xử lý triệt để việc cỏ dại lẫn vào trong những lô lúa mì nhập khẩu vào Việt Nam.
Nguồn : Báo Dân Việt